"Thái Lan 4.0" là gì?
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn về lịch sử phát triển kinh tế của Thái Lan. Mô hình phát triển kinh tế đầu tiên, còn được gọi với cái tên "Thái Lan 1.0", đặt trọng tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Thành quả của nó là một đất nước nhiệt đới dẫn đầu khu vực và thế giới về những sản phẩm nông nghiệp, trong đó không thể không kể tới trái cây.
"Thái Lan 2.0" là kế hoạch tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ, giúp đưa Thái Lan từ một nước thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. "Thái Lan 3.0" tiếp tục được đặt ra với trọng tâm hướng đến là các ngành công nghiệp nặng, giúp kinh tế Thái Lan tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những sự thay đổi này chưa đủ giúp Thái Lan vượt qua hàng ngũ những nước có mức thu nhập trung bình. Đó cũng chính là lý do "Thái Lan 4.0" ra đời.
Giống như những lần trước đó, "Thái Lan 4.0" là kế hoạch kinh tế. Tên gọi "4.0" cũng tương đồng với những kế hoạch trong quá khứ. Tuy nhiên, đặc biệt hơn những lần trước đó, kế hoạch "Thái Lan 4.0" được đưa ra đúng thời điểm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) bùng nổ trên khắp thế giới. Tên gọi "Thái Lan 4.0" cũng không chỉ là sự tiếp nối của những kế hoạch trước mà còn thể hiện sự quyết tâm bắt kịp xu thế mới để Thái Lan đạt được những mục tiêu tăng trưởng.
Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, "Thái Lan 4.0" tập trung nhiều vào một nền công nghiệp sử dụng tri thức và công nghệ để tạo sự đột phá. Mục tiêu của người Thái là tận dụng các lĩnh vực đổi mới, kiến thức, công nghệ và sự sáng tạo để cải thiện tổng thể nền kinh tế cũng như mức sống người dân. Một trong những mục tiêu được lượng hóa cao nhất chính là nâng GDP bình quân đầu người lên 15.000 USD vào năm 2032.
Ngoài ra, người Thái cũng có những mục tiêu rất cụ thể khác, chẳng hạn như đưa ít nhất 5 trường đại học nước này vào nhóm 100 trường tốt nhất thế giới trong 2 thập niên tới. Vấn đề bất bình đẳng xã hội, nâng cao giá trị con người hay các vấn đề môi trường để phát triển bền vững hơn đều được Thái Lan đề ra và nỗ lực thực hiện.
Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Thái Lan cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới và khắt khe của CMCN 4.0. Khi lao động giá rẻ đã không còn là lợi thế, việc chuẩn bị cho người lao động hành trang để thích nghi với những đòi hỏi mới không chỉ tạo ra nguồn nhân lực dồi dào mà còn góp phần giải quyết những vấn đề bất ổn, vốn có thể phát sinh khi tự động hóa khiến nhiều việc làm truyền thống bị mất đi.
Ngoài ra, một mục tiêu khác cũng được người Thái hướng tới là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo định nghĩa, bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một quốc gia dậm chân tại chỗ sau khi đạt thu nhập trung bình, rất khó để bứt phá. Một quốc gia, muốn được coi là phát triển, buộc phải vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Để đạt được mục tiêu này, Thái Lan hay bất cứ quốc gia nào đều phải chuyển mình từ một nước có nhân công giá rẻ và lao động phổ thông trở thành một nền kinh tế dựa vào tri thức. Khi CMCN 4.0 khiến những việc làm có tính lặp đi lặp lại bị máy móc thay thế, đây là cách duy nhất để vươn lên nếu không muốn chìm sâu vào tình trạng khủng hoảng.
Tầm nhìn hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn
Tầm nhìn táo bạo và mục tiêu rõ ràng là cần thiết để đưa một quốc gia bước từ giai đoạn phát triển này sang giai đoạn phát triển tiếp theo. Tầm nhìn "Thái Lan 4.0" đang được đánh giá là một trong những chính sách tiềm năng, có khả năng giúp quốc gia Đông Nam Á này vượt qua được ngưỡng một nước có thu nhập trung bình để bước vào hàng ngũ những nước thu nhập cao.
Đổi mới là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy "Thái Lan 4.0" và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, đổi mới chỉ có thể xảy ra khi Thái Lan có một "nền văn hóa đúng", đạt được thông qua hành vi sáng tạo, thử nghiệm và hợp tác. Môi trường kinh doanh với sự cạnh tranh ngày càng cao, chăm chỉ làm việc sẽ khó mang về hiệu quả. Chính vì thế, người ta phải làm việc một cách sáng tạo với câu hỏi mà họ sẽ luôn phải đau đáu "Làm sao để có thể làm tốt hơn nữa?".
Với Thái Lan, việc phát triển nên dựa vào những lợi thế vốn có, chẳng hạn như nông nghiệp và chăm sóc y tế - được coi là khá vượt trội trong khu vực. Tuy nhiên, ở lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, Thái Lan cần triển khai ngành kinh doanh du lịch y tế, nhằm lôi kéo người bệnh từ các nước xung quanh. Một nền y học phát triển và có danh tiếng sẽ góp phần hiện thực hóa điều này.
Với nông nghiệp, Thái Lan đang hướng tới việc chuyển đổi từ phương pháp canh tác truyền thống sang canh tác thông minh với công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Nông dân, sẽ đảm trách từ vai trò trồng trọt tới phân phối sản phẩm của riêng mình. Đạt mục tiêu này sẽ đồng thời giải quyết hai bài toán khó: tăng năng suất và giải quyết tình trạng chênh lệch thu nhập.
"Thái Lan 4.0" là một tham vọng to lớn nhưng để đạt được nó, Thái Lan chắc chắn sẽ phải thực sự nỗ lực với kỳ vọng đạt được những thành quả đột phá.