Theo Nikkei, Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan ngày 21/11 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này trong quý 3 đã tăng 4,5% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, kể từ đầu năm đã có khoảng 7,6 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan. Con số này cao hơn nhiều so với 427.000 du khách vào năm ngoái.
Nikkei cho biết, ngành du lịch chiếm khoảng 18% GDP của Thái Lan, quốc gia này đã bắt đầu mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế đến thăm từ tháng 7.
Dự kiến, Thái Lan sẽ đón tổng cộng khoảng 10 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2022 và khoảng 18 triệu khách vào năm 2023. Tuy nhiên những con số này vẫn thấp hơn 39 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019.
Nikkei nhận định, giống như trước khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch vẫn là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Tuy nhiên, lạm phát vẫn là một trở ngại đối với quốc gia này.
Lạm phát tháng 8 đã đạt 7,86%, mức cao nhất trong 14 năm vừa qua. Lạm phát tháng 9 và tháng 10 có giảm, lần lượt là 6,41%, 5,98%, tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn cao hơn nhiều mức trung bình năm 2021, chỉ 1,23%.
Trước đó, vào giữa tháng 10, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết, GDP Singapore trong quý 3/2022 ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, kết quả tăng trưởng quý 3 của Singapore được dẫn dắt bởi sự thay đổi trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Cụ thể, sản lượng trong lĩnh vực dịch vụ tăng 2,5% trong quý 3/2022 nhờ việc nới lỏng các hạn chế của Covid-19, phản ánh qua mức tăng trong lĩnh vực thương mại bán lẻ và vận tải. Trên cơ sở đó, MTI ước tính, tăng trưởng GDP của Singapore dự kiến đạt 3–4% vào năm 2022 và sẽ giảm dần vào năm 2023.
Trong khi đó, ở Việt Nam, vào đầu tháng 10, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 3/2022 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 3/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Báo cáo lý giải, lý do GDP quý 3/2022 tăng cao bởi quý 3/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Trung ương Malaysia mới đây cũng thông báo, tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia tăng 14,2% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này báo hiệu sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm, mặc dù vẫn còn lo ngại về sự suy giảm toàn cầu.
Trước đó, GDP của Malaysia tăng trưởng ở mức 5% trong quý đầu tiên và 8,9% trong quý thứ hai. Malaysia là một trong những nền kinh tế Đông Nam Á phát triển nhanh nhất sau đại dịch.
Ngân hàng trung ương Malaysia ước tính, tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 6,5%- 7%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng năm 2023 sẽ chậm lại, dự kiến ở mức 4-5%.
Theo số liệu thống kê công bố vào ngày 7/11, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia trong quý 3/2022 tăng trưởng 5,72% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu không điều chỉnh các yếu tố mùa vụ, GDP của Indonesia tăng 1,81% so với quý trước. Chính phủ Indonesia kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,2% trong năm nay.