Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 3/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng 17,7% về lượng, tăng 27,1% kim ngạch so với tháng 2/2024 và giá tăng 8%, đạt 188.972 tấn, tương đương 671,83 triệu USD, giá trung bình 3.555 USD/tấn.
Tính chung cả 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê tăng 6% về lượng, tăng 56,9% về kim ngạch và tăng 48% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023, đạt 585.696 tấn, tương đương gần 1,93 tỷ USD, giá trung bình 3.288,8 USD/tấn.
Không chỉ giá xuất khẩu , giá cà phê trong nước cũng tăng liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện giá cà phê trung bình ở các tỉnh Tây Nguyên là 132.000 đồng/kg, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 132.200 đồng/kg.
Cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm trên 12,4% trong tổng lượng và chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 72.377 tấn, tương đương 229,32 triệu USD, giá 3.168,4 USD/tấn, giảm 6,6% về lượng, tăng 46,8% về kim ngạch và tăng 57,2% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023. Tính riêng tháng 3/2024 xuất khẩu đạt 21.736 tấn, tương đương 73,77 triệu USD, giảm 8,3% về lượng và giảm 3,5% kim ngạch so với tháng 2/2024.
Xuất khẩu cà phê sang Italia đứng thứ 2 thị trường, tăng 20,6% về lượng, tăng 77,6% kim ngạch và tăng 47,2% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023, đạt 64.627 tấn, tương đương 196,07 triệu USD, giá 3.033,8 USD/tấn, chiếm 11% trong tổng lượng và chiếm 10,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Tây Ban Nha tăng 65,5% về lượng, tăng 148% kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023, đạt 44.619 tấn, tương đương 150,3 triệu USD, chiếm gần 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Ngoài top 3, nhiều thị trường đều chứng kiến mức tăng trưởng 3 chữ số như Indonesia, Philippines,... Trong đó, Thái Lan đang là người mua rất tích cực cà phê của Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu 6.149 tấn cà phê sang Thái Lan, tương đương 5,36 triệu USD, tăng 130% về lượng và tăng 96% về giá trị so với tháng 3/2023.
Trong quý I, xứ sở chùa vàng đã chi ra 38,8 triệu USD để nhập 11.638 tấn cà phê từ Việt Nam, tăng 234,84% về lượng và tăng 144,83% về giá trị. Trái ngược với toàn thị trường, giá xuất khẩu bình quân đạt 3.334 USD/tấn, giảm 26,8% so với cùng kỳ.
Tình hình thời tiết khô hạn ở những vùng trồng cà phê đang diễn ra không chỉ riêng với Việt Nam mà ở tất cả các vùng cà phê trên toàn cầu, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Tình hình này đã tác động xấu đến năng suất và sản lượng cà phê , nhất là cà phê Robusta.
Ngoài ra, giá cà phê trong nước tăng cao thời gian qua bởi vì trên thế giới giai đoạn này chỉ có Việt Nam thu hoạch. Indonesia thì thu hoạch khoảng tháng 4-5, còn Brazil thu hoạch vào tầm tháng 7.
Cùng với đó, việc liên tục xảy ra các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, nhất là tại khu vực Biển Đỏ đã khiến giá cước vận chuyển cà phê đến châu Âu - khu vực tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới bị đẩy lên cao. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu tư, khiến giá cà phê tăng nóng.
Trước lo ngại nguồn cung toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, giá cà phê trong nước hoàn toàn có khả năng hướng đến mức lịch sử mới tại mốc 150.000 đồng/kg.