Những chiếc máy bay sẽ thả vào không khí những loại hóa chất đặc biệt để tích tụ mây và tạo ra những cơn mưa. Ông Pralong Dumrongthai, Tổng cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, cho biết: "Cơ quan chuyên trách sẽ thực hiện việc này vào ngày 15/1. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra mưa còn tùy thuộc vào gió và độ ẩm".
Việc gieo mây để gây mưa nhân tạo được tiến hành sau khi mức độ ô nhiễm ở thủ đô Bangkok lên tới mức đáng báo động. Trong buổi sáng đầu tuần, thủ đô nhộn nhịp của Thái Lan bị bao phủ bởi một màn sương mù dày đặc. Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, nhóm hoạt động vì môi trường nổi tiếng thế giới, Bangkok đang đứng thứ 10 trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất, ngang ngửa các thành phố ở Trung Quốc.
Làn sương mù ở Bangkok được tạo thành từ khói và bụi, trong đó có khí thải từ các phương tiện giao từ những con đường lúc nào cũng kín người. Góp phần khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn là khói từ các cánh đồng nằm ở ngoại ô thành phố, nơi nông dân đốt rác thải mùa màng, cũng như các nhà máy ở khu vực ngoại ô.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đã gây nên làn sóng bất mãn trên mạng xã hội, truyền thông và truyền hình Thái Lan. Air Visual, một giám sát chỉ số chất lượng không khí trực tuyến (AQI) độc lập, cho biết ô nhiễm không khí ở Bangkok đạt mức 156 AQI vào sáng đầu tuần. Tình trạng này kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Cơ quan chuyên trách về môi trường của Thái Lan đã sử dụng phép đo PM2,5 để xác định số lượng vi hạt có trong không khí. Kết quả cho thấy số lượng hạt siêu nhỏ thường đạt 102 microgram trong một mét khối không khí nhưng đã giảm xuống dưới 90 vào ngày thứ 2.
"Chỉ số PM của chúng tôi cao nhưng nó vẫn dưới mức khủng hoảng. Chúng tôi chưa ở ngưỡng 120-150 microgram vi hạt/m3 không khí để phát đi cảnh báo yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra đường", cơ quan phụ trách môi trường của Thái Lan trấn an.
Tuy nhiên, ông Tara Buakamsri, giám đốc tổ chức Hòa bình Xanh tại Thái Lan, cho rằng chính quyền cần có những hành động ngay lập tức để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm như giảm lượng xe ô tô, đóng cửa các trường học ở những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao.
Trong những tuần qua, người Bangkok đã tiến hành phun nước dọc theo những con đường cũng như phun vào không khí để giảm số lượng bụi. Nhà chức trách cũng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, các biện pháp này dường như chưa phát huy hiệu quả, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.