Chính phủ Thái Lan ngày 3-8 đã thành lập "phòng chiến tranh" để theo dõi chặt chẽ các hồ chứa, đập thủy điện có mực nước đang dâng lên mức báo động giữa lúc nước sông Mekong vẫn tiếp tục tăng.
Theo sát 11 đập lớn
Theo báo Bangkok Post (Thái Lan), ông Somkiat Prajamwong, Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia (ONWR), cho biết trung tâm giám sát đặc biệt nêu trên sẽ được đặt tại Cục Thủy lợi Hoàng gia (RID) - nơi giới chức trách phân tích thông tin về tình hình các hồ chứa trên toàn quốc 24/24 giờ. Theo ông Somkiat, trước mắt, 11 đập lớn cần được theo dõi sát sao vì có khả năng đầy nước trong vòng một tháng tới. Trong số này, 2 đập Nam Oun ở tỉnh Sakon Nakhon và Kaeng Krachan ở tỉnh Phetchaburi sắp đầy, cần được xả nước nhanh hơn.
Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan cũng như những người dân ở khu vực hạ lưu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ hệ thống thoát nước sẽ nhận được thông báo trước 3 ngày. "Nếu mực nước tăng lên mức khẩn cấp, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ đưa ra chỉ thị. Tình hình hiện nay là "cảnh báo vàng", đòi hỏi công tác chuẩn bị đối phó" - ông Somkiat khẳng định.
Lãnh đạo ONWR cho biết một số đập lớn ở miền Đông Bắc, Trung và Tây hiện chứa nước nhiều hơn so với thời điểm trước khi xảy ra thảm họa lũ lụt hồi năm 2011 nhưng nhấn mạnh tình hình vẫn đang được kiểm soát. Trong khi đó, Cục trưởng RID Thongplew Kongchan cam kết không để tái diễn thảm họa 2011.
Ngoài các đập lớn, hàng chục đập cỡ trung ở phía Đông Bắc Thái Lan cũng đang được theo dõi. Chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm giám sát khoảng 1.000 hồ chứa nhỏ tại nơi mình quản lý.
Trước dự báo có mưa bão vào giữa tháng 8, Phó Thủ tướng Chatchai Sarikulya hôm 2-8 cho biết đã ra lệnh xả nước tại tất cả đập và hồ chứa trước một tháng. Tuy nhiên, mực nước vẫn cao bất thường tại một số đập do trời mưa to gần đây.
Nước sông Mekong đang dâng ở tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan Ảnh: BANGKOK POST
Bài học từ Lào
Ông Somkiat cho biết 2 tỉnh Nong Khai, Nakhon Phanom có nguy cơ chứng kiến mực nước sông Mekong tăng từ 70 cm đến 1 m do ảnh hưởng dòng chảy từ Trung Quốc và Lào. Chính quyền Thái Lan sẽ liên lạc với hai nước láng giềng, cập nhật về lượng nước để có kế hoạch cảnh báo người dân phù hợp.
Song song đó, ông Thongplew thông báo RID và các cơ quan liên quan đã cho xả nước từ các hồ chứa cỡ vừa và nhỏ đã đầy ở vùng Đông Bắc. Các tuyến đường ống hút nước cũng được lắp đặt tại một số khu vực này để chuyển nước ra sông suối. Hiện có 5 tỉnh miền Đông Bắc - Yasothon, Roi Et, Ubon Ratchathani, Nakhon Phanom và Sakon Nakhon - chịu ảnh hưởng của lũ lụt do mưa lớn. RID cũng thực hiện kế hoạch xả nước có hệ thống tại các tỉnh miền Tây, trong đó có Kanchanaburi và Ranong, cho đến tháng 9.
Sau thảm họa vỡ đập thủy điện tại Lào mới đây, các chuyên gia tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) bày tỏ lo ngại về việc bảo trì gần 9.000 đập và hồ chứa nhỏ khắp Thái Lan. Tại cuộc hội thảo "Vỡ đập: Vấn đề của Lào hay Thái Lan?" hôm 31-7, ông Anurak Sriariyawat, Trưởng Khoa Kỹ thuật nguồn nước Trường ĐH Chulalongkorn, cho hay ông không lo lắng về những con đập lớn vì chúng được bảo dưỡng và kiểm tra kỹ lưỡng.
Thay vào đó, 800 con đập cỡ trung và 8.000 hồ chứa nhỏ không chịu sự giám sát của RID mà là chính quyền địa phương. Ông Anurak cho biết xuất hiện một số thông tin các đập cỡ trung có vấn đề rò rỉ, đồng thời kêu gọi tất cả tổ chức liên quan rút kinh nghiệm từ sự cố ở Lào để có kế hoạch đối phó hiệu quả.