Thái Lan hưởng lợi từ đường sắt Lào - Trung
Theo China Daily, các chuyên gia cho biết Thái Lan sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại quốc tế và kích thích nền kinh tế trong nước bằng cách tăng tốc kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào.
Joe Horn-Phathanothai, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư Thái Lan Strategy613 tập trung vào Trung Quốc và Thái Lan, cho biết: "Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào đã mở ra một phương thức hậu cần mới trong khu vực. Một trong những khách hàng của ông đã có thể vận chuyển hàng hóa bao gồm vật liệu đóng gói, sản phẩm tiêu dùng và phụ kiện từ Trung Quốc đến Thái Lan thông qua tuyến đường sắt mới".
Ông Horn-Phathanothai ca ngợi những nỗ lực của chính phủ Thái Lan trong việc tăng cường kết nối của đất nước với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, theo ông sẽ mang lại lợi ích lớn cho các ngành công nghiệp và thương mại.
Tuyến đường dự kiến kết nối hoạt động vận tải và vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan sang Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, bắt đầu hoạt động vào ngày 3/12, là một phần quan trọng của mạng lưới đường sắt xuyên Á, cuối cùng sẽ kết nối Côn Minh ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc với Bangkok và Singapore.
Bộ Giao thông vận tải Thái Lan cho biết họ đang tìm cách kết nối với tuyến đường sắt này để tạo ra một liên kết giao thông liên biên giới liền mạch - theo Bangkok Post.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Saksayam Chidchob cho biết, tuyến đường sắt mang lại cơ hội lớn vì Thái Lan hiện đang khai thác các dịch vụ tàu chở hành khách và hàng hóa đến ga Thanalaeng ở thủ đô Vientiane của Lào, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob cho biết.
Ngoài ra, Đường sắt Nhà nước Thái Lan đã được chính phủ Thái Lan yêu cầu xây dựng cây cầu thứ 2 từ Nong Khai, Đông Bắc Thái Lan sang Lào, nối Thái Lan với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào.
Piti Srisangnam, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Chulalongkorn, cho biết Thái Lan cần đẩy nhanh kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào vì có thể khuyến khích nước này tăng tốc cải cách hệ thống hậu cần và vận tải đồng thời cung cấp một lựa chọn thay thế cho thương mại.
Lộ trình thay thế
Ví dụ, trong thời kỳ đại dịch, chi phí hậu cần để vận chuyển một thùng container qua các tuyến đường biển từ Thái Lan đến các nước châu Âu và châu Mỹ đã tăng ít nhất 200%, và đôi khi cao hơn tới 10 lần so với mức trước đại dịch.
Piti cho biết tuyến đường thay thế do đường sắt Trung Quốc-Lào mở đường sẽ cho phép Thái Lan vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc, Trung Á và thậm chí các nước châu Âu tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Kết nối 15 thành phố của Trung Quốc với Thái Lan, Singapore và một số quốc gia khác tham gia BRI, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào cho đến nay đã vận chuyển hàng hóa quốc tế trị giá hơn 1 tỷ nhân dân tệ (157,49 triệu USD), Tân Hoa xã dẫn nguồn Hải quan Côn Minh đưa tin.
Vào tháng 3/2021, Chính phủ Thái Lan và một tập đoàn xây dựng Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho giai đoạn đầu tiên của dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc-Thái Lan theo kế hoạch sẽ nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima, đông bắc Thái Lan, nhằm đưa tuyến đường vào hoạt động vào năm 2026 .
Dự án cuối cùng sẽ kết nối Bangkok với Nong Khai trên biên giới với Lào để kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào.
Horn-Phathanothai cho biết điều việc Thái Lan tận dụng hệ thống giao thông hiện có của mình để kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào là rất quan trọng.
Ông Horn-Phathanothai nói: "Chúng tôi có thể sử dụng những thứ hiện có để xây dựng một trung tâm kết nối quy mô nhỏ".
Surasit Thanadtang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Thái-Trung tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Thái Lan, cho biết những nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm tăng cường kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào và thiết lập liên minh vận tải và hậu cần của hành lang kinh tế Trung Quốc, Lào và Thái Lan là "diễn ra đúng lúc và đúng nơi".
Việt Nam "đứng ngoài cuộc chơi"?
Các tuyến đường sắt hiện có và dự kiến để kết nối các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: Bangkok Post
Theo đánh giá, tuyến đường sắt Lào - Trung đã biến Lào trở thành 1 trung tâm kết nối Trung Quốc với Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Sự xuất hiện của tuyến đường này đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian để vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan sang Trung Quốc. Trong tương lai, việc này cũng đồng nghĩa rằng các nước như Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore có thể xuất khẩu hàng qua tuyến đường sắt xuyên lục địa trong sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Trong khi đó, hành trình hàng hóa đi qua Việt Nam phải tốn nhiều thời gian hơn, quãng đường dài hơn trong khi các tuyến đường sắt ở Việt Nam chưa nhận được sự đầu tư lớn như tại các nước láng giềng. Do đó, việc này phần nào sẽ khiến hoạt động vận tải qua đường sắt Việt Nam bớt hấp dẫn hơn so với tuyến Thái Lan - Lào.
Đáng lưu ý, Bangkok "hưởng lợi kép" khi nằm ở ngã ba giữa 3 tuyến đường sắt. Điều này có thể mang lại nguồn lợi kinh tế khổng lồ về mặt thương mại và giao thương cho thủ đô Thái Lan.
Giá trị hàng hóa xuyên biên giới từ đường sắt Trung Quốc-Lào vượt trên 1 tỷ Nhân dân tệ
Hải quan Côn Minh tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc công bố, đường sắt Trung Quốc-Lào mới khai trương đã vận chuyển lượng hàng hóa quốc tế trị giá hơn 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 157,4 triệu USD).
Tính đến ngày 17/1, 153 chuyến tàu hàng đã được hải quan xử lý, với tổng khối lượng hàng hóa đạt 59.500 tấn.
Kể từ khi tuyến đường sắt được đưa vào vận hành ngày 3/12/2021, hơn 100 loại hàng hóa đã được vận chuyển qua biên giới Trung Quốc-Lào qua Côn Minh. Cao su tự nhiên, quặng sắt và than gỗ là những mặt hàng nhập khẩu chính, trong khi rau quả tươi, nhu yếu phẩm và các sản phẩm cơ khí và điện tử là những mặt hàng xuất khẩu chính.
Hải quan Côn Minh cho biết, đường sắt Trung Quốc-Lào kết nối 15 thành phố của Trung Quốc với Thái Lan, Singapore và một số quốc gia khác dọc theo Vành đai và Con đường.