Lệnh áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái và sẽ tiếp tục có hiệu lực trong nhiều năm tới. Thái Lan là một trong những nước tiên phong trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á thực hiện áp lệnh thuế này theo đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đấu tranh với tình trạng béo phì.
Ảnh: Nikkei
Năm 2016, WHO kêu gọi các nước thành viên đánh thuế đối với nước ngọt, nâng giá lên 20% nhằm giảm lượng tiêu thụ đường. Động thái này nhằm giảm số lượng người mắc bệnh béo phì và sâu răng từ đó tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe, WHO cho biết.
Tuy nhiên, có vẻ như Thái Lan không thích hợp để trở thành "nhà lãnh đạo" trong chiến dịch này. Sản lượng đường của họ trong năm 2017 lên tới 11,23 triệu tấn, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trở thành nước sản xuất đường lớn thứ 3 thế giới sau Brazil và Ấn Độ.
Điều kỳ lạ ở đây là thay vì đứng lên phản đối lệnh thuế tiêu thụ đặc biệt này, các nhà máy đường Thái Lan có vẻ khá im ắng kể từ tháng 9. Các tổ chức mía đường trong nước vẫn chưa hề lên tiếng về sắc lệnh của chính phủ. Ông Rangsit Hiangrat, Tổng giám đốc Tập đoàn Thai Sugar Millers cho rằng "Chính phủ có lẽ sẽ không nghe chúng tôi nói".
Trong khi đó, một số thị trường khác cũng đối mặt với thuế tiêu thụ đặc biệt này lại phản đối kịch liệt. Ngành công nghiệp nước giải khát Philippines đấu tranh mạnh mẽ lệnh thuế đánh vào nước ngọt từ tháng 1 năm ngoái đồng thời cảnh báo lượng tiêu thụ sản phẩm của họ sẽ giảm đáng kể. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng lên tiếng trước đề xuất áp thuế tiêu thụ nước ngọt vào năm 2019. Một bản báo cáo đề xuất tăng thuế tiêu thụ đường đối với ngành công nghiệp nước giải khát Australia cũng bị hứng chịu nhiều chỉ trích và bị coi là "phân biệt đối xử".
Yếu tố chính trị đóng vai trò chính trong phản ứng tích cực của các nhà sản xuất Thái Lan. Một phóng viên trong nước cho hay "Bạn không thể phản đối mạnh mẽ quyết định của chính phủ" do Thái Lan được điều hành bởi quân đội kể từ năm 2014.
Mặt khác, ngành đường nước này có thể không phải đối mặt với bất cứ khó khăn nào nếu thị trường đường nội địa đi xuống. Lượng tiêu thụ đường của nước này hiện đang ở mức 2,65 triệu tấn/năm - chỉ bằng 3/4 lượng đường xuất khẩu trong khi nhu cầu tiêu thụ đường trên toàn thế giới đang tăng ổn định.
Hơn thế nữa, nhu cầu đường của Thái Lan 6 tháng qua có vẻ như giảm không quá mạnh. Công ty Mitsui & Co. nhận định "Tại thời điểm này, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đường của các nhà máy sản xuất nước ngọt vẫn chưa giảm".
Lượng tiêu thụ nước giải khát có đường và tỷ lệ béo phì đang gia tăng ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khó có thể thay đổi thói quen ăn uống ở nơi "hảo ngọt" chỉ bằng việc tăng thuế tiêu thu đặc biệt đối với đường.