Nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán, Thái Lan cử một số quan chức tới các thị trường nhập khẩu gạo lớn của nước này, Adul Chotinisakorn- Tổng giám đốc Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết.
Ảnh: Nikkei
"Tại một số quốc gia châu Á, hoạt động nhập khẩu gạo hoàn toàn được kiểm soát bởi các cơ quan thu mua chính phủ. Chúng tôi đặt mục tiêu đến thăm các cơ quan này và thông báo rằng chính phủ Thái Lan sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tư nhân", ông Adul cho biết.
Nhiều thị trường nhập khẩu gạo khu vực Đông Nam Á nằm trong "tầm ngắm" của Thái Lan như Indonesia và Philippines.
Số liệu thống kê cho thấy Indonesia và Malaysia nhập khẩu khoảng 800.000 tấn gạo Thái trong khi Philippines nhập 1 triệu tấn.
Chính phủ Thái Lan cũng kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khu vực Trung Đông như Iraq và Iran. Lượng nhập khẩu gạo Thái của 2 nước này hiện ở mức 1 triệu/năm.
Trong khi đó, Philippines dự định mở phiên đấu thầu hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong tháng 3.
Chính phủ Thái Lan không có ý định cạnh tranh khối doanh nghiệp tư nhân mà sẽ tạo điều kiện họ tham gia đấu thầu, ông Adul cho biết.
Vài năm trở lại đây, Thái Lan quan tâm tới hoạt động xuất khẩu gạo thông qua hợp đồng liên chính phủ (government-to-government), đặc biệt là đối với những nước có quy trình thanh toán và giao hàng phức tạp.
Xuất khẩu gạo thông qua kênh chính phủ giúp các doanh nghiệp tư nhân giảm thiểu nhiều rủi ro trong đó có các lệnh trừng phạt kinh tế. Chẳng hạn như, làm việc với các công ty Iran từ xưa đến nay vốn rất khó khăn do ngân hàng không thể xử lý các khoản thanh toán.
Bên cạnh đó, giá gạo trong các hợp đồng liên chính phủ cũng thấp hơn so với thị trường do mối quan hệ thương mại giữa các nước. Điều này khiến hoạt động xuất khẩu gạo của chính phủ Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn so với các công ty tư nhân.
Mục đích của những hợp đồng này nhằm tăng cường xuất khẩu gạo, từ đó hấp thụ nguồn cung dư thừa, tránh tình trạng giá giảm quá thấp trong mùa thu hoạch.
Chiến lược xuất khẩu gạo hỗ trợ cho khoảng 13 triệu nông dân (tương đương đương 20% nhân số). Trước đây, hoạt động bán gạo của chính phủ đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 20% trong tổng số 8-10 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm.
Xu hướng tự do hóa thương mại những năm gần đây cho phép các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng ký hợp đồng xuất khẩu gạo hơn và chính phủ lùi lại, nhường sân chơi cho họ.
"Chúng tôi sẽ giúp đỡ thay vì cạnh tranh với các công ty xuất khẩu gạo tư nhân. Dựa vào lựa chọn của quốc gia nhập khẩu muốn mua gạo từ chính phủ hay từ doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi sẽ đưa ra gói hỗ trợ phù hợp", ông Adul nói.
Mặc dù nhu cầu gạo năm nay vẫn lớn nhưng các doanh nghiệp Thái Lan cho biết cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến họ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đồng baht mạnh khiến các giá gạo từ đối thủ như Việt Nam và Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn so với Thái Lan.
Hiệp hội các Nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động xuất khẩu gạo trong quý I/2018. Nếu đồng baht tiếp tục tăng, TREA có thể hạ mục tiêu xuất khẩu xuống dưới 9,5 triệu tấn.
Chính phủ nước này khuyến khích nông dân trồng các loại cây mang lại lợi nhuận cao hơn như ngô và mía đường.