Thái Lan là quốc gia thu hút du lịch hàng đầu của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Mỗi năm, đóng góp của du lịch và các ngành liên quan mang về 110 tỷ USD, chiếm khoảng 25% GDP quốc gia này.
Ngoài đẩy mạnh du lịch biển nhờ ưu thế địa lý và khí hậu, du lịch tâm linh với đền chùa và các di tích lịch sử, Thái Lan còn đầu tư mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thị trường dịch vụ và bán lẻ, nhằm thu hút số lượng lớn người trẻ say mê shopping. Siam Center, Central World, hay MBK... đều là những điểm đến nổi tiếng, đứng đầu trong danh sách của các con nghiện mua sắm.
Nếu lần đầu tiên đến Thái Lan, bước vào đại siêu thị đúng vào ngày 15 hàng tháng, rất nhiều người sẽ bất ngờ khi bị từ chối phục vụ túi nilon, bất kể khi đó bạn tay xách nách mang đến mức nào và đã chi bao nhiêu để làm tăng doanh thu cho các ông lớn này. Đơn giản, đó là ngày các nhà bán lẻ Thái Lan nói "lời từ chối cho sự sống tương lai".
"Ở đây chúng tôi không phục vụ túi nhựa vào ngày mùng 4 và 15 hàng tháng. Hãy mang theo túi của riêng bạn để đựng đồ", Central Group thậm chí gửi thông điệp đến khách hàng của mình ngay trên trang web chính thức của tập đoàn.
Đây thực chất là nỗ lực lớn của chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp nhằm đưa quốc gia này trở thành đất nước nói không với túi nhựa. Theo thỏa thuận được thống nhất, cứ vào ngày 15 hàng tháng, người mua hàng sẽ không được phục vụ bất kỳ túi nhựa nào tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc trung tâm thương mại lớn, nhằm khuyến khích họ mang theo túi tái sử dụng của riêng mình.
Ngày 15/8/2018, trong lần thử nghiệm đầu tiên của chiến dịch, 15 nhà bán lẻ lớn và các siêu thị lân cận đã ngừng phục vụ túi nhựa cho khách hàng. Rất nhiều khách du lịch lẫn người dân Thái Lan đều tỏ ra ngạc nhiên. Thậm chí, không ít người phản ứng dữ dội vì những bất tiện mà chiến dịch này mang lại.
Khác với số đông bất ngờ trên, các khách hàng trung thành của Central Group đã quen với việc này. Từ năm 2008, tập đoàn của tỷ phú Thái Tos Chirathivat đã quyết định hạn chế sử dụng cả túi giấy và túi nhựa trong quá trình phục vụ khách hàng.
Phattaraporn Phenpraphat, Phó chủ tịch tiếp thị tại Central Food Retail Co, cho biết công ty này thúc đẩy việc giảm sử dụng túi nhựa trong thập kỷ qua bằng nhiều bước đệm, để tạo nên thói quen riêng cho khách hàng của hãng. Với một ngày từ chối phục vụ cố định là ngày 4 hàng tháng đi kèm các chương trình ưu đãi, số lượng túi mà hệ thống của Central Group tiết kiệm được ngay trong năm đầu tiên lên tới 26,4% so với cùng kỳ năm 2007. Trong khi đó, con số tiết kiệm được của năm ngoái là 1,8 triệu chiếc.
"Kể từ tháng 7/2018, có tới một triệu khách hàng từ chối túi nhựa từ các cửa hàng của chúng tôi", bà Phattaraporn nói.
Đã qua rồi thời kỳ vô cảm của các doanh nghiệp với vấn đề môi trường, bởi những lợi ích về truyền thông to lớn. Tuy nhiên, thói quen "đương nhiên được sử dụng thêm túi nhựa khi thanh toán ở siêu thị" khiến nhiều người chưa sẵn sàng hợp tác, bất kể các biện pháp mềm mỏng hay cứng rắn.
Theo thống kê của Thái Lan, mỗi ngày, nếu một người dân sử dụng thêm 1 chiếc túi nhựa, thì số lượng túi dùng bổ sung sẽ lên tới 25 triệu chiếc/năm. Hiện tại, Thái Lan đã và đang phải đối mặt với 2,7 triệu tấn chất thải xốp và nhựa mỗi năm, và chính người dân phải trả nhiều tiền thuế hơn nhằm có ngân sách quản lý và xử lý rác thải.
Dù có nền công nghiệp tương đối phát triển trong khu vực, nhưng Thái Lan cũng chỉ tái chế được chưa đầy nửa triệu tấn rác thải loại này trong một năm. Phần lớn còn lại, dù rơi xuống đáy biển hay lưu trữ trong các nhà máy, số phận của chúng cuối cùng cũng sẽ được tập trung tại những hố chôn lấp, và trải qua 1.000 năm chờ đợi để phân hủy.
"Nếu chúng tôi không hành động nhanh, con cháu chúng tôi có thể sẽ phải xây nhà, ăn, ngủ và học tập trên những ‘hố chôn thế kỷ’, trong khi vốn dĩ có thể tránh được nhờ lời từ chối từ đời ông bà, cha mẹ", Phattaraporn Phenpraphat nói./.