Theo báo Nikkei, 11 nước thành viên thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có kế hoạch chào đón thêm thành viên mới nhằm mở rộng khối tự do thương mại đầy tham vọng. Trong năm tới, nhiều khả năng Thái Lan sẽ gia nhập CPTPP, sau đó đến Colombia.
Vào ngày thứ Năm, cuộc họp kéo dài 2 ngày của đại diện chính phủ các nước thành viên CPTPP kết thúc, khối này đã đồng ý sẽ cố gắng để hiệp định thương mại này chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019. Các cuộc đối thoại với thành viên mới sẽ được khởi động không lâu sau đó.
Quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật phụ trách các vấn đề liên quan đến CPTPP, ông Kazuhisa Shibuya, nói với báo giới: “Chúng tôi đồng ý chào đón thêm các thành viên mới”.
Cho đến nay, chính phủ Mexico, Nhật và Singapore đã phê chuẩn hiệp định, chính phủ Việt Nam và 2 nước khác dự kiến cũng sẽ hoàn tất việc này trước thời điểm cuối năm nay. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn nó.
Một ủy ban riêng sẽ được thành lập ra để chuyên trách xử lý các vấn đề nhằm có thể đưa thêm thành viên mới tham gia vào hiệp định. Khối này sẽ không đàm phán lại về các điều khoản liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ và một số vấn đề thương mại khác, tuy nhiên, mức thuế quan sẽ được bàn thảo giữa thành viên cũ và thành viên mới.
Đầu năm 2017, ngay sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hiệp định TPP-12. Giờ đây, TPP đã được sửa lại thành TPP-11, hiệp định thu hút được sự chú ý từ nhiều nước đang có chung nỗi lo về khả năng mất thị trường xuất khẩu về tay những nước có tham gia hiệp định.
Thsng 5/2018, Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Somkid Jatusripitak, đã thể hiện sự quan tâm đến CPTPP với Bộ trưởng Nhật chuyên trách CPTPP, ông Toshimitsu Motegi. Thái Lan được cho là sẽ cố gắng gia nhập CPTPP trước khi cuộc tổng tuyển cử lần tới tại Thái Lan diễn ra vào tháng 2/2019.
Colombia trong khi đó đã chính thức thông báo với New Zealand về ý định gia nhập CPTPP. Anh trong khi đó đang lấy ý kiến công chúng về việc gia nhập TPP bởi không muốn Anh bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Hàn Quốc được cho là đã liên lạc với nhiều thành viên để nói về việc sẽ gia nhập CPTPP, trong khi đó Đài Loan cũng đã tuyên bố quan tâm đến CPTPP.
Những nước không thuộc TPP-11 lo sợ sẽ bị thua thiệt về thương mại. Cùng với việc thuế giảm, hiệp định sẽ đặt ra quy định trong nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến thương mại điện tử và bản quyền trí tuệ; các mặt hàng xuất khẩu đến từ những nước như Việt Nam hay Chile trở nên cạnh tranh hơn trong khối.
Thế nhưng việc mở rộng khối cũng có thể có nhiều thách thức. Theo Bộ trưởng Nhật chuyên trách CPTPP, các nước thành viên mới sẽ cần phải tuân thủ quy định có sẵn, điều này hẳn không hề dễ dàng với những nước thiếu khung pháp lý chặt chẽ. Các cuộc đàm phán có thể kéo dài. Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề chuyên biệt với từng quốc gia, ví như những yếu tố không rõ ràng tại Anh thời hậu Brexit.