Sáng 19/4, trong chuyến công tác tại Thái Nguyên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn Phòng Chính phủ và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực có sự bứt phá; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện… Đến nay đã có 12/19 chỉ tiêu thành phần đạt cao và dự kiến hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2016-2017 đạt 14%, trong đó năm 2017 đạt 12,75%, cao nhất trong vùng và cao gấp hai lần mức bình quân chung của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, chiếm 55,4%; khu vực dịch vụ chiếm 32%; khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 12,6%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 68 triệu đồng, gấp 1,3 lần năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Năm 2017, thu ngân sách đạt trên 12.600 tỷ đồng, vượt 40,3% so với kế hoạch, tăng trên 3.600 tỷ đồng so với năm 2016 và đứng thứ 18 cả nước. Trong quý I/2018, thu ngân sách đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; phấn đấu tỉnh Thái Nguyên có thể tự cân đối thu - chi ngân sách trước năm 2020.
Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2017 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2016 trong khi đó chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng từ 57 năm 2011 lên đứng thứ 15/63 tỉnh, thành năm 2017.
Trên địa bàn tỉnh có 6.116 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 78.117 tỷ đồng; 129 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD.
Công nghiệp có bước phát triển vượt bậc; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân năm 2016-2017 tăng 23,1%. Năm 2017, sản xuất công nghiệp đạt trên 571.000 tỷ đồng, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Giá trị xuất khẩu bình quân năm 2016-2017 tăng 25,2%, trong đó năm 2017 tăng 23%, đạt 23,563 tỷ USD, chiếm khoảng 11% giá trị xuất khẩu chung của cả nước. Trong quý I/2018, xuất khẩu đạt gần 6 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt trên 2%, toàn tỉnh có 159/180 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ số trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ đạt trên 90%.
Ảnh: VGP/Hải Minh |
Phát biểu tại cuộc họp, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua.
Đặc biệt, liên tục trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn tăng, đạt mức cao hơn so với bình quân của cả nước. Thu nhập bình quân tăng nhanh, thu ngân sách vượt dự toán trong khi môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị tỉnh cần quan tâm thúc đẩy, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước đến đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh lĩnh vực hoạt động trong nước đa dạng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Với tiềm năng, lợi thế của mình, Thái Nguyên cần vươn lên mạnh mẽ, tạo đột phá hơn nữa trong việc cải thiện các chỉ số về môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó giúp tăng cường hơn nữa thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị, dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên dự kiến được tổ chức trong tháng 6/2018.
Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, đồng thời đề nghị tỉnh cần làm rõ ưu tiên, trọng tâm về thu hút đầu tư./.