Thái Nguyên được biết đến là cái nôi của ngành công nghiệp nặng Việt Nam. Đây là địa phương mũi nhọn của cả nước trong phát triển công nghiệp luyện kim và khai khoáng, với trữ lượng Florit đứng đầu thế giới, vonfram đứng thứ 2 thế giới, than đứng thứ 2 cả nước, ngoài ra còn có sắt, thiếc, chì, kẽm, vàng, đồng, titan… và các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đều có trữ lượng cao.
Hiện nay, Thái Nguyên đang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản với nhiều nhà máy có quy mô lớn áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, như nhà máy Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Bên cạnh đó, với nguồn tài nguyên sẵn có, Thái Nguyên cũng đầu tư, phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thủy điện và nhiệt điện, đáp ứng nhu cầu điện năng tại chỗ và đóng góp cho lưới điện quốc gia.
Với sự phát triển mạnh mẽ nghành công nghiệp trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên đã phát triển nhiều khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Sông Công I (195ha), Khu công nghiệp Sông Công II (250ha), Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (120ha), Khu công nghiệp Yên Bình (400ha), Khu công nghiệp Điềm Thụy (350ha), Khu công nghiệp Quyết Thắng (105ha)... Trong đó, có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Sông Công I, Nam Phổ Yên, Yên Bình và Điềm Thụy, thu hút được 163 dự án, gồm 83 dự án FDI và 80 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký tương ứng khoảng 7 tỷ USD và trên 11.000 tỷ đồng.
Nhận thức được tiềm năng phát triển lớn của Thái Nguyên, thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông kết nối tại Thái Nguyên liên tục được tỉnh đầu tư xây dựng, điển hình là đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đại lộ Đông Tây và đặc biệt là đường vành đai 5 đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Đây là những bước đệm vững chắc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Thái Nguyên.
Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi Thái Nguyên là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước với tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn bình quân 20 năm (1997 - 2017) đạt 11%/năm; riêng giai đoạn 5 năm (2012 - 2017) tăng trưởng bình quân đạt 16,7%/năm, quý I/2019 đạt 6,79%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo …
Đặc biệt, sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên (07/2018), môi trường đầu tư địa phương này có những thay đổi tích cực. . Cụ thể, Thái Nguyên đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh, trong đó có nhiều dự án được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Thái Nguyên, Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, Dự án bất động sản khu chung cư Gang Thép…
Về thu hút đầu tư nước ngoài, đây được xem là điểm sáng của bức tranh kinh tế Thái Nguyên khi tỉnh này nhận được 7,1 tỷ USD vốn FDI (2018) từ hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài như: Samsung (Hàn Quốc), Bujeon (Hàn Quốc), TAL (Hong Kong)…Các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng đã góp mặt tại Thái Nguyên: Vingroup, ASC Group, Indevco, TNG…
Với việc tập trung nhiều các KCN lớn, FDI tăng mạnh, Thái Nguyên thu hút ngày càng nhiều dân nhập cư trong và ngoài nước đến đây sinh sống, lập nghiệp. Thống kê mới nhất của liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có hơn 133 doanh nghiệp đã hoạt động trong các khu công nghiệp với trên 81 nghìn lao động. Tuy nhiên, chỗ ở cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới chỉ đáp ứng được khoảng 27% nhu cầu.
Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp. Các chuyên gia dự báo, năm 2019 sẽ là năm lên ngôi của BĐS cao cấp Thái Nguyên, tạo ra sức bật mạnh mẽ đáng kinh ngạc của thị trường BĐS khu vực này.