Ban Giám đốc Điều hành World Bank vừa mới đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 80 triệu USD của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) dành cho Thái Nguyên nhằm hỗ trợ cải thiện hạ tầng giao thông, vệ sinh và giáo dục mầm non.
Khoản tín dụng này cũng sẽ hỗ trợ cải thiện việc lập quy hoạch và quản lý đô thị có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.
Theo World Bank, khoảng 81.000 người sẽ nhận được lợi ích trực tiếp, bao gồm việc giảm thời gian đi lại nhờ tăng cường chất lượng kết nối giao thông, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường đô thị thông qua việc cải tạo hệ thống thoát nước và thu gom nước thải, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị ngập lụt.
Dự án cũng sẽ cải thiện các dịch vụ chăm sóc trẻ thông qua hệ thống trường mẫu giáo được xây mới và cải tạo cũng như mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn với các không gian công cộng được cải thiện.
Dự án sẽ giúp nâng cao năng lực của chính quyền thành phố Thái Nguyên với các hỗ trợ kỹ thuật về lập chiến lược quy hoạch đô thị tích hợp, quy hoạch giao thông công cộng và quản lý tài sản bền vững.
Tổng chi phí dự án ước tính là 100 triệu USD, trong đó 80 triệu USD sẽ được tài trợ từ nguồn vốn IDA hỗ trợ giai đoạn chuyển đổi và 20 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của chính quyền tỉnh.
Nói về dự án, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank cho biết: "Là một trong những trung tâm chính và động lực kinh tế của khu vực miền núi phía Bắc, thành phố Thái Nguyên đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, và do đó cần các dịch vụ cơ sở hạ tầng đô thị tốt hơn".
Ông cũng nhận định dự án còn giúp thành phố xây dựng một quy hoạch đô thị toàn diện và tích hợp trong đó phát triển cơ sở hạ tầng được gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Việc thực hiện thành công dự án này có thể được nhân rộng cho các đô thị loại vừa khác để hỗ trợ chương trình phát triển đô thị của Chính phủ.
Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam coi sự phát triển của các thành phố cỡ trung bình là trung tâm để thúc đẩy sự phát triển trong hệ thống các khu đô thị và các tỉnh thành lớn. Điều này phù hợp với kinh nghiệm quốc tế khi các quốc gia ngày càng công nhận vai trò của các thành phố loại vừa như là chất xúc tác thúc đẩy các hoạt động kinh tế và phát triển.