Khi lệnh cấm trục xuất hết hiệu lực
Tháng trước, khi dịch COVID đang lây lan mạnh ở Houston, thư ký bệnh viện vừa nghỉ việc, cô Ramzan Boudoin, đã nhận ngay được tin xấu: Cô phải rời khỏi căn hộ của mình trong 6 ngày tới vì không trả tiền thuê nhà.
Lệnh cấm chủ nhà trục xuất người thuê nhà ở Texas đã cho phép cô Boudoin duy trì việc sinh sống trong căn hộ hai phòng ngủ mà cô đang chia sẻ với con gái và cháu gái, trong lúc cô đi tìm việc làm mới. Tuy vậy, lệnh cấm này đã hết hiệu lực vào ngày 18/5. Chủ nhà đã khởi kiện cô ra tòa và cô Boudoin không thể kiếm đủ 2,997 USD cộng với tiền lãi để dàn xếp vụ kiện.
Khi hầu hết các hoạt động kinh tế Mỹ phải gián đoạn do dịch COVID tăng mạnh hồi tháng 3, hàng triệu người đã rơi vào tình trạng thất nghiệp. Các bang và liên bang đã ban hành một loạt các lệnh cấm trục xuất để giúp mọi người có thể tiếp tục sinh sống trong nhà của mình. Tuy nhiên, những biện pháp bảo vệ người thuê nhà giờ đây không còn nữa.
Lệnh cấm đã hết hạn ở 29 tiểu bang và sắp hết hiệu lực ở những bang khác. Trong thời gian tới, một quy định liên bang hiện đang bảo vệ khoảng 1/3 số người thuê nhà ở Mỹ sống trong các tòa nhà nhờ khoản thế chấp do chính phủ liên bang hỗ trợ, sẽ hết hiệu lực nếu Quốc hội không hành động nhanh chóng.
Theo Emily Benfer, giáo sư luật tại Đại học Wake Forest, khoảng 28 triệu người Mỹ có thể bị đuổi khỏi nhà trong vài tháng tới. Con số này gần như gấp ba so với mức 10 triệu người Mỹ ước tính bị mất nhà cửa trong những năm sau cuộc khủng hoảng thế chấp hồi năm 2008.
Các chuyên gia y tế công cộng và nhà ở cho biết con số này là chưa từng có trong lịch sử hiện đại Mỹ.
Nguy cơ lây lan trong làn sóng thứ hai
Ngoài những khó khăn khi mất nhà, việc trục xuất có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở làn sóng thứ hai khi những người vô gia cư mới này bị buộc phải ở trong nhà tạm trú hoặc những ngôi nhà chật hẹp với người thân khiến nguy cơ lây lan COVID-19 gia tăng.
Theo dữ liệu tổng hợp của Đại học Princeton, các bằng chứng về việc nối lại hoạt động trục xuất đã được ghi nhận ở các thành phố gồm Houston, Cincinnati, Columbus, Kansas City, Cleveland và St. Louis.
Tiến sĩ Nasia Safdar, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và giám đốc y tế về phòng chống nhiễm trùng tại Đại học Y khoa và Y tế Công cộng Wisconsin, cho biết: Tại thời điểm này không thể khẳng định mối liên hệ khoa học giữa việc trục xuất và sự lây lan dịch COVID-19. Tuy nhiên, các trường hợp chẩn đoán nhiễm COVID đã tăng 150% tại Milwaukee kể từ khi lệnh cấm trục xuất kết thúc.
"Một nguyên lý chính của phòng ngừa trong đại dịch là có cơ sở hạ tầng sẽ giảm thiểu lây truyền từ người sang người", ông Safar nó, "Bất kỳ hoạt động nào phá vỡ cấu trúc đó... sẽ khiến cho hoạt động ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trở nên vô cùng khó khăn".
Theo bà Diane Yentel, chủ tịch của Liên minh nhà ở thu nhập thấp quốc gia có trụ sở tại Washington, DC, khi các vụ trục xuất gia tăng ở một số điểm nóng lây lan COVID 19, các gia đình di dời, chuyển đến nhà người thân hoặc nơi tạm trú, tạo điều kiện cho virus lây lan rộng rãi.
"Trong nhiều trường hợp, các biện pháp giãn cách xã hội thực hiện rất khó khăn hoặc không khả thi, thì nguy cơ các gia đình này mắc phải và lây lan COVID tăng theo cấp số nhân", bà Yentel nói.
Tình trạng mạng lưới an sinh xã hội quá tải cũng làm nghiêm trọng thêm tình hình. Kể từ tuần tới, khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần cúa chính phủ liên bang sẽ ngừng lại, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước là 13,3%.
Giới chủ nhà nói rằng đại dịch COVID cũng khiến cho họ lao đao. Ông Bob Pinnegar, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chung cư Quốc gia, cho biết việc trục xuất luôn là "biện pháp cuối cùng", nhưng "một mình lĩnh vực cho thuê nhà không thể chịu gánh nặng tài chính của đại dịch được".
Ông cho biết gần 1/2 các chủ nhà tại Mỹ là doanh nghiệp gia đình, đầu tư tiền vào bất động sản cho thuê để có khoản thu nhập lúc về già.
Nhiễm COVID và bị trục xuất khỏi nhà
Tại Milwaukee, cô Mariah Smith đã nhận được một thông báo trục xuất vào ngày 1/7. Từng là nhân viên giao hàng cho một hãng sản xuất phụ tùng máy bay, cô đã bị mất việc vào tháng 5. Cô Smith cho biết cô đã không thể trả tiền thuê nhà vì cô chưa nhận được ngân phiếu hỗ trợ của liên bang trị giá 1.200 USD và đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp.
Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi cô Smith được chẩn đoán mắc COVID sau khi có các triệu chứng ớn lạnh, đau nhức cơ thể và đau họng. Ngày 30/7 tới, cô phải trình diện trước tòa để giải trình về việc trục xuất.
Luật sư đại diện cho công ty chủ quản khu nhà của cô Smith, Marvin Bynum II, cho biết công ty vừa biết về việc cô Smith nhiễm COVID. Chủ nhà hy vọng cô sẽ "sớm hồi phục và tin rằng các bên có thể nhanh chóng đạt được một 1 giải pháp có lợi đôi bên", theo ông Byum.
Chưa rõ cô Smith có bị trục xuất hay không nhưng vấn đề lớn hơn vẫn còn đó.
"Hiện tại không có ai đủ thẩm quyền để ngăn chặn việc trục xuất. Tôi không thấy ai đưa ra quyết định về sức khỏe cộng đồng mà chỉ thấy chủ nhà đưa ra quyết định dựa trên quyền lợi tài chính của họ", ông Nick Homan, một luật sư của Hiệp hội Trợ giúp pháp lý Milwaukee cho hay.