Chỉ 1 tháng trước, các hãng hàng không trên khắp thế giới đã bắt đầu tăng tần suất bay do nhiều quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa và người dân hào hứng tìm đến những chuyến du lịch để giải tỏa những áp lực sau thời gian phải ở yên trong nhà. Tuy nhiên, vào đúng lúc mùa du lịch bước vào thời kỳ cao điểm, những hy vọng mới được thắp lên cho ngành hàng không đã nhanh chóng bị dập tắt vì những ổ dịch mới bùng lên ở châu Á, cuộc khủng hoảng y tế ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở Mỹ và các biện pháp phòng dịch của châu Âu.
Kết quả là, ngành hàng không ngày càng tiến gần hơn đến viễn cảnh suy thoái kéo dài do niềm lạc quan về 1 cú hồi phục nhanh chóng đã nhanh chóng biến mất. Giờ đây các hãng buộc phải suy nghĩ lại về các kế hoạch khôi phục đường bay, trong khi số vụ phá sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) mới đây đã phải điều chỉnh dự báo phải đến năm 2024 ngành này mới có thể phục hồi toàn toàn, chậm hơn 1 năm so với dự báo trước đó.
"Các hãng đã cố gắng cắt giảm chi phí, nhưng nhu cầu và doanh thu không hồi phục nhanh như dự kiến, vì thế họ vẫn đang phải đốt một lượng tiền mặt khổng lồ", chuyên gia kinh tế trưởng của IATA, Brian Pearce, nói.
Hôm 25/7, Anh bất ngờ áp dụng lại lệnh cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Tây Ban Nha sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở khu vực Catalonia. TUI AG, công ty vận hành tour lớn nhất thế giới, phản ứng lại bằng cách hủy bỏ tất cả các gói du lịch dành cho người Anh ở Tây Ban Nha cho đến giữa tháng 8.
Những biện pháp khẩn cấp mới được áp dụng trên khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi theo kế hoạch sẽ là vùng đầu tiên trên thế giới cho phép khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế, là minh chứng hùng hồn cho thấy ngành hàng không sẽ phải đối mặt với quá nhiều bất ngờ. Việc triển khai "bong bóng du lịch" giữa Australia và New Zealand cũng bị hoãn lại vài tháng do số ca nhiễm tăng vọt khiến Melbourne bị phong tỏa và tiểu bang Victoria rơi vào tình trạng khẩn cấp.
Philippines cũng phải tạm ngừng các chuyến bay quốc tế không cần thiết chỉ 1 tháng sau khi nối lại đường bay, và Hồng Kông yêu cầu du khách phải xuất trình giấy tờ chứng minh họ âm tính với virus corona trước khi nhập cảnh.
Ở Mỹ, đà hồi phục yếu ớt nhanh chóng bị dập tắt bởi làn sóng Covid thứ 2 trong bối cảnh hàng loạt bang và thành phố lớn áp dụng quy định cách ly đối với du khách. CEO Scott Kirby của United Airlines dự đoán doanh thu của hãng sẽ chỉ có thể hồi phục tối đa là bằng một nửa so với mức trước dịch cho đến khi có vaccine được sử dụng rộng rãi.
Kể cả trong điều kiện bình thường thì đối với nhiều hãng hàng không, mùa hè là thời kỳ duy nhất trong năm họ làm ăn có lãi. Tuy nhiên với triển vọng hồi phục trước khi mùa hè kết thúc ngày càng mờ nhạt, các vụ phá sản là không thể tránh khỏi, theo Stuart Hatcher, cố vấn tại IBA Group. Cuộc khủng hoảng càng trở nên phức tạp hơn khi đường bay sinh lợi nhiều nhất – kết nối Trung Quốc và châu Âu – sụp đổ hoàn toàn.
Kể từ đầu năm đến nay, trên toàn thế giới có khoảng 34 hãng hàng không đã phá sản, tăng so với mức 27 hãng trong toàn bộ năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn so với con số 63 của năm 2008. Trong đó nổi bật nhất là Virgin Atlantic Airways của tỷ phú Richard Branson và 2 hãng hàng không lớn nhất Nam Mỹ Latam Airlines và Avianca.
Các hãng đã chống chọi bằng cách để những chiếc máy bay nằm im bất động, điều giúp ngăn chặn dòng tiền chảy ra. Đồng thời các chương trình cứu trợ hàng tỷ USD của chính phủ và những khoản vay được nhà nước bảo lãnh cũng giúp ích phần nào. Tuy nhiên, số vụ phá sản được dự báo sẽ tăng lên gấp đôi vào cuối năm nay.
Thời gian sắp tới sẽ là rất khó khăn với ngành hàng không thế giới. Mùa đông có thể tạo nên làn sóng lây nhiễm mới, trùng khớp với mùa doanh thu sụt giảm và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ không còn. Theo IBA, các hãng hàng không bay thuê chuyến, các hãng khu vực và những hãng chuyên phục vụ các địa điểm du lịch là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Những cái tên nổi tiếng, thân thuộc nhìn chung sẽ dẻo dai hơn. Các hãng giá rẻ có lợi thế dòng tiền mặt khá khỏe mạnh trong khi các hãng hàng không quốc gia sẽ nhận được thêm sự trợ giúp của chính phủ.
Các hãng hàng không ở Đông Nam Á đứng trước rủi ro vì thời gian trước dịch đã liên tiếp mở rộng đường bay và đặt tàu bay. Kiểm toán EY mới đây đã đưa ra những nhận định không mấy khả quan về tương lai của hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng AirAsia.
Ngành hàng không Ấn Độ đối mặt với các áp lực tương tự. Đây vẫn là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng cũng là quê nhà của SpiceJet, hãng hàng không giá rẻ đang chật vật đối mặt với khoản nợ cao gấp hơn 500 lần lượng tiền mặt đang có trong tay. Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố không hỗ trợ cho các hãng hàng không trong bối cảnh Ấn Độ có số ca nhiễm tăng nhanh nhất thế giới.
Ở châu Âu, nỗ lực khai thác thị trường Bắc Đại Tây Dương đầy tiềm năng của Air Shuttle (Na Uy) đang vấp phải nhiều khó khăn do gánh nặng nợ. Hãng đã tái cấu nợ nhưng quyết định chuyển sang tập trung vào các chặng ngắn vốn là thị trường đang cạnh tranh rất khốc liệt với những hãng hàng không giá rẻ khỏe mạnh hơn như Ryanair, Air France và Deutsche Lufthansa – 2 hãng nhận được tổng cộng 23,5 tỷ USD tiền cứu trợ từ chính phủ Pháp và Đức.
Ở Mỹ, American Airlines bị cho là đối mặt với nhiều rủi ro nhất. Chỉ số trên thị trường hoán đổi vỡ nợ tín dụng cho thấy gần 100% khả năng hãng sẽ phá sản trong 5 năm tới. Xác suất của United Airlines và Delta Airlines lần lượt là 59% và 47%.
Khoảng 980 máy bay đã bị "cho nghỉ hưu", và IBA dự đoán trong 2 năm tới con số sẽ tăng thêm 5000 chiếc. "Đây thực sự là quãng thời gian rất lo lắng", theo Willie Walsh, CEO của IAG, tập đoàn sở hữu British Airways, Iberia, và Aer Lingus. Hôm 31/7 tập đoàn cho biết tất cả các hãng hàng không họ sở hữu đã thua lỗ nặng trong quý II. "Chỉ trong 1 quý British Airways đã lỗ nhiều hơn cả số lỗ kỷ lục trong 1 năm. Cho đến nay đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà chúng tôi từng đối mặt".
Tham khảo Bloomberg