Ngay từ thời điểm đầu dịch, Joo Park đã nhận thấy 1 xu hướng đáng lo ngại diễn ra tại siêu thị nằm ở trung tâm Washington mà anh đang quản lý: ít nhất 1 lần mỗi ngày anh đều phát hiện ra ai đó đang lén lút nhét 1 gói thịt, túi gạo hoặc 1 túi thực phẩm vào trong áo khoác. Tã, dầu gội và thuốc tẩy cũng bị đánh cắp với số lượng ngày càng nhiều.
Theo Park, kể từ đó đến nay, số lượng vụ trộm tại Capitol Supermarket đã tăng hơn gấp đôi dù anh đã có những biện pháp đối phó như tăng cường nhân viên kiểm soát ở cửa ra vào, yêu cầu khách mua hàng gửi đồ và bày những thứ dễ bị đánh cắp ở các khu vực dễ quan sát hơn. Thường thì Park sẽ không gọi cảnh sát mà chỉ cấm kẻ ăn cắp quay trở lại siêu thị.
"Đại dịch khiến cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều. Người ta nói rằng "tôi quá đói", và bạn chẳng làm gì được nữa", Park nói.
Cuộc suy thoái do virus corona gây nên dẫn đến làn sóng thất nghiệp ồ ạt và bất ổn kinh tế nghiêm trọng. Gói kích thích mà chính phủ Mỹ tung ra hồi đầu dịch để giữ cho hàng triệu người Mỹ không rơi vào cảnh nghèo đói đã cạn kiệt, trong khi gói cứu trợ mới vẫn còn nằm trên giấy sau nhiều tháng bị trì hoãn vì xung đột chính trị.
Nước Mỹ đang rơi vào tình trạng đói nghèo nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Hệ quả là ngày càng có nhiều người Mỹ sẵn sàng đi ăn cắp thực phẩm để có thể tồn tại.
Các cuộc phỏng vấn của Washington Post với hàng chục nhà bán lẻ và cơ quan cảnh sát trên khắp nước Mỹ cho thấy số vụ ăn cắp vặt tại các siêu thị đã tăng mạnh kể từ khi đại dịch ập đến vào mùa xuân và cao hơn nhiều so với các cuộc suy thoái kinh tế trước đây. Và điểm đặc biệt là những thứ bị lấy cắp: đó đều là những mặt hàng thiết yếu như bánh mì, mì sợi và sữa công thức dành cho trẻ em.
Trong khi người Mỹ được khuyến cáo sẽ bước vào 1 mùa đông đầy khắc nghiệt với số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên và đà hồi phục của nền kinh tế gần như hoàn toàn chững lại, triển vọng trong ngắn hạn khá u buồn. Hiện có hơn 20 triệu người Mỹ đang nhận được trợ cấp thất nghiệp.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, khoảng 54 triệu người Mỹ sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo trong năm nay, tăng 45% so với năm 2019. Các chương trình trợ cấp thực phẩm như SNAP và WIC bị thu hẹp, trong khi các chương trình cứu trợ liên bang khác sắp hết hạn, các "ngân hàng thực phẩm" và các trạm cung cấp thực phẩm miễn phí đang dần trở nên trống rỗng, dù bên ngoài có thể có tới hàng nghìn người xếp hàng và chờ đợi nhiều giờ.
Farmers to Families Food Box, chương trình đã cung cấp hơn 120 triệu hộp thực phẩm cho người Mỹ trong suốt đại dịch, cũng đang dần cạn tiền ở nhiều nơi.
Với hơn 150.000 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày ở Mỹ, một số địa phương đang tái áp dụng các biện pháp phong tỏa. Gần như toàn bộ bang California hiện đang trong lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt, trong khi các bang Nevada, Maryland và Pennsylvania cũng ra lệnh hạn chế ra ngoài. Những biện pháp này ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người lao động vốn rất dễ bị tổn thương như những người phục vụ trong các nhà hàng, siêu thị và quán bar.
Ở Maryland, Jean đã học xong và có việc làm, thậm chí vừa mới mua chiếc xe ô tô đầu tiên khi đại dịch ập đến. Nhà trẻ nơi cô gửi gắm con trai đột ngột đóng cửa hồi tháng 4, buộc cô phải từ bỏ công việc lễ tân đang mang về thu nhập 15 USD/giờ. Nhưng bỏ việc cũng đồng nghĩa cô không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Cô đã 3 lần bị các trạm phát thực phẩm từ chối.
Không có tiền trợ cấp và tiền tiết kiệm đã hết từ tháng 5, Jean cho biết cô không còn lựa chọn nào khác. Cô bắt đầu ăn cắp thực phẩm trong siêu thị Walmart gần nhà, tuồn vào xe đẩy của con trai. Cô thường lấy trộm thịt bò, gạo hoặc khoai tây nhưng vẫn thường trả tiền cho những thứ nhỏ nhỏ ví dụ như 1 gói kẹo M&M’s. Mỗi lần ăn cáp, Jean đều tự nhủ Chúa sẽ thấu hiểu chuyện mình đang làm.
"Tôi không ăn cắp cả cái tivi, chỉ là tôi không biết phải làm gì nữa, đó chẳng phải là tội ác, chúng tôi đang chết đói. Điều đó chẳng vẻ vang gì nhưng đó là việc tôi phải làm", Jean nói.
Mặc dù các vụ trộm cắp vặt có xu hướng tăng lên trong khủng hoảng – tăng 16% sau vụ khủng bố 11/9 và 34% sau khủng hoảng 2008, lần này con số tăng rất nhanh. Đối với nhiều người, có thể họ sẽ chết vì đói trước khi chết vì Covid.
Cuộc sống của 1 bà mẹ đơn thân như Jean rất khó khăn. Trước kia Jean cũng đã từng có vài lần ăn trộm sữa bột cho con khi bản thân không đủ sữa mẹ. Cô đã dừng việc đó ngay lập tức khi siêu thị bắt đầu kiểm soát sữa công thức gắt gao hơn (vì giá của chúng khá cao).
Tuy nhiên, Covid-19 thôi thúc Jean đi ăn trộm. Cả việc tìm 1 công việc và chăm sóc con đều ngày càng trở nên khó khăn hơn. Khi cạn tiền, cô ưu tiên trả tiền thuê nhà và tiền mua xe trả góp hơn là tiền mua thực phẩm, bởi "chí ít thì tôi có thể kiếm được đồ ăn theo cách nào đó mà không cần chi tiền".
Đôi lúc mẹ Jean có gửi cho cô vài trăm USD hoặc sử dụng phiếu mua thực phẩm của chính bà để mua đồ ăn cho cô. Và cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn hơn vào tháng 7, khi cô kiếm được việc làm mới và giờ cô đã có bảo hiểm y tế.
Jean hi vọng mình sẽ không phải đi ăn cắp nữa, mặc dù cô vẫn cảm thấy cuộc sống hết sức bấp bênh.
Tham khảo Washington Post