Hiện thực đáng sợ bên trong các bệnh viện
"Số người chết được đưa tới đây không ngừng, không ngừng tăng", nữ y tá Claudiu Ionita thở dài khi đứng trước những thi thể bên trong nhà xác tại Bệnh viện Đại học Bucharest. Trên mỗi cáng có một thi thể bên trong túi nhựa màu đen. Nhà xác này có thể chứa 15 thi thể nhưng khi phóng viên CNN đến đây, đã có 41 người quá cố được đưa tới.
Nhà xác quá tải khiến thi thể các nạn nhân được đặt bên ngoài hành lang. Tiếng khóc than vọng lại từ bên trong nhà xác. Một phụ nữ được phép vào trong đó để nhìn thấy cha mình lần cuối.
Bệnh viện Đại học Bucharest là cơ sở y tế lớn nhất thủ đô Romania. Đây là nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng đang phải chống đỡ với làn sóng Covid-19 thứ 4 tàn phá đất nước này. Tình trạng giờ tồi tệ hơn bao giờ hết.
Bất chấp nỗ lực của giới chức y tế, tỷ lệ tiêm chủng ở Romania vẫn rất thấp.
"Từ khi theo nghề này, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua điều khủng khiếp đến vậy. Tôi chưa bao giờ nghĩ một thảm hỏa khủng khiếp thế này có thể xảy ra. Có những gia đình tất cả đều chết vì Covid-19", y tá Ionita chia sẻ.
Bệnh viện gần như không còn một giường trống. Một ý tá đang thay ga trải giường cho một chiếc giường bệnh chưa có người nằm. "Chủ" trước của nó vừa được người ta chuyển vào nhà xác và nó sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi một bệnh nhân khác.
Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu. Chưa tới 36% dân số nước này được tiêm phòng mặc dù chiến dịch tiêm chủng của nước này có một khởi đầu tốt đẹp vào tháng 12 năm ngoái. Các quan chức và nhân viên y tế cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp do nhiều yếu tố, bao gồm sự hoài nghi với vắc xin bởi các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội.
Khi bác sĩ Alexandra Munteanu, 32 tuổi, tới nhận nhiệm vụ tại một trong những điểm tiêm chủng ở thủ đô Bucharest, cô thấy có rất ít người tới tiêm. Ngay cả khi dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, số người tới tiêm phòng cũng vô cùng ít.
Những những kẻ chống vắc xin điên cuồng là ai?
Sự việc có thể tồi tệ hơn rất nhiều ở Romania. Một trong những người chống vắc xin có tiếng nói nhất là Diana Sosoaca, thành viên của Thượng viện nước này. Trong một màn thể hiện nguy hiểm trước công chúng, người phụ nữ này đã chặn mọi người vào một trung tâm tiêm chủng gần khu vực bầu cử của mình ở phía bắc đất nước.
"Nếu bạn yêu con mình, hãy dừng việc tiêm phòng. Đừng giết chết chúng", người phụ nữ này nói trong một video được đăng tải trên Facebook cá nhân.
Tuy nhiên, tất cả các loại vắc xin ở Romania đều đã được thử nghiệm rộng rãi và chứng minh an toàn với trẻ em. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được người phụ nữ này và nhiều người khác lan truyền những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội hay thậm chí cả truyền hình địa phương.
90% số người chết vì Covid-19 ở Romania là những người chưa tiêm vắc xin.
Các quan chức và các nhân viên y tế Romania rất bực khi ngày càng có nhiều người được gọi là "nhân vật của công chúng" đứng lên chống vắc xin và phá hoại nỗ lực cứu mạng hàng nghìn người của họ.
Đại tá Valeriu Gheorghita, một bác sĩ quân y đang điều hành chiến dịch tiêm chủng quốc gia của Romania, cho biết: "Hãy nhìn vào thực tế. Khu vực chăm sóc đặc biệt của chúng ta chật kín bệnh nhân. Có quá nhiều ca bệnh mới. Thật không may, chúng ta có hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Đây là thực tế: 90% số người chết là do không được tiêm phòng".
Ở Bucharest, có một tấm băng rôn lớn chưa nửa mặt tiền của một ngôi nhà nằm giữa đại lộ đông đúc. "Họ đang chết ngạt. Họ đang cầu xin chúng tôi. Họ đang hối hận" là dòng chữ đen lớn phía trên các bức ảnh đen trắng, chụp lại khoảnh khắc các bác sĩ đang vật lộn với tử thần để giữ mạng cho bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Tuy nhiên, phía dưới đường, chẳng ai buồn nhìn lên tấm áp phích và cũng chẳng ai buồn quan tâm về nó. Chẳng bao lâu nữa, tấm biểu ngữ đó sẽ xuất hiện trên khắp các thành phố lớn khác ở Romania.
Vùng nông thôn Romania: Thấy quan tài nhưng chưa nhỏ lệ
Dẫu vậy, không có nơi nào mà người dân nghi ngờ vắc xin nhiều hơn tại các vùng nông thôn Romania. Tỷ lệ tiêm chủng đã giảm mạnh xuống chỉ còn một nửa so với tại thành thị, vốn đã vô cùng ít ỏi. Hạt Suceava, cách Bucharest một giờ bay về phía đông bắc, có tỷ lệ tiêm chủng nói chung thấp nhất cả nước.
Bác sĩ Alexandru Calancea, 40 tuổi, cũng phải chấp nhận hiện thực cay đắng trên chính quê hương mình, nơi ông đang được giao trọng trách quản lý chương trình tiêm chủng. Người dân nơi đây vô cùng mộ đạo nhưng rất ít linh mục ủng hộ vắc xin. Chính vì thế, một số lượng đông đảo người chống vắc xin xuất hiện. Họ không nói gì, nhưng họ cũng không đi tiêm.
Tại ngôi làng Bosanci, Neculai Miron - một mục sư đồng thời là thị trường - còn công khai không tin tưởng vào vắc xin. Ông ta từng nổi danh với thành tích chống vắc xin và bây giờ vẫn vậy. "Chúng tôi không phản đối việc tiêm chủng nhưng chúng tôi muốn xác thực vai trò của nó, để giải tỏa lo lắng của mình, bởi có nhiều tác dụng phụ từ vắc xin. Đây không phải vắc xin an toàn", vị linh mục này nói.
Người đàn ông này không tin số liệu và cũng không tin các bác sĩ. Chính vì thế, chỉ có 11% dân số trong làng tiêm chủng cho đến đầu tháng 11/2021, một con số thấp hơn cả nhiều nước châu Phi, vốn rất khan hiếm vắc xin.
Ở những ngôi làng nông thôn này, nghèo đó, trình độ giáo dục thấp cùng với ảnh hưởng cá nhân của các nhà lãnh đạo địa phương và niềm tin tôn giáo không đúng có thể tạo nên một sự kết hợp chết người. Ngay cả khi nghe CNN nói về cảnh tượng người chết vì Covid-19 nằm la liệt trong nhà xác ở thủ đô, vị mục sư này vẫn khẳng định chẳng có ai chết ở làng của ông vì đại dịch.
"Bucharest lớn hơn Bosanci rất nhiều. Chúng tôi chưa có ai chết vì Covid-19 cả. Trong làng hình như cũng có người mắc bệnh nhưng ở giáo sứ của chúng tôi thì tỷ lệ tử vong vẫn là 0", Miron nói với CNN.
Tuy nhiên, hạt Suceava là nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 toàn Romania. Những ngôi mộ mới đắp tại nghĩa địa lớn nhất hạt có thể là bằng chứng. Người ta liên tiếp gặp những đám tang ở vùng nông thôn này chứ không phải điều gì đó quá xa xôi.