Ngày 26-12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang.
HĐXX đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chủ tịch thường trực hội đồng thẩm định giá đất, nguyên Chủ tịch Hội đồng Định giá đất và nhà thuộc sở hữu nhà nước tỉnh Khánh Hòa (gọi tắt là Hội đồng TĐG). Qua đó cho thấy việc thẩm định mang tính chủ quan, cảm tính.
"Thẩm định theo kinh nghiệm chuyên gia"
Khu "đất vàng" Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ có diện tích 7.388,9 m2 được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư là Công ty CP Thanh Yến. Theo đó, có 4.440 m2 đất ở đô thị thuê với giá hơn 22,4 triệu đồng/m2, diện tích còn lại có giá hơn 7,8 triệu đồng/m2. Thời gian thuê 50 năm.
Ở phiên xét hỏi này, HĐXX tập trung làm rõ căn cứ nào mà Hội đồng TĐG lại xác định được giá đất như trên? Tại sao chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Tư vấn dịch vụ về tài sản bất động sản (gọi tắt là Công ty DATC) có 3 phiếu lập khống mà Hội đồng TĐG lại thông qua? Việc xác định tính trung thực, khách quan của chứng thư? Bị cáo căn cứ vào đâu để cho rằng chứng thư này là sát giá? Phiếu thu thập cũng sai địa chỉ tại sao không phát hiện?...
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm cho rằng đã thực hiện đúng quy trình thẩm định giá đất vì căn cứ theo báo cáo kết quả kiểm tra, thẩm định của tổ giúp việc và căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty DATC. Công ty DATC phải chịu trách nhiệm về chứng thư, bị cáo không chịu trách nhiệm về các phiếu khống. Bên cạnh đó, không có quy định nào yêu cầu Hội đồng TĐG phải đi thực tế để thẩm định lại chứng thư.
Ông Tâm cũng lúng túng nói việc sai địa chỉ là do kỹ thuật và cho dù có lập khống cũng không ảnh hưởng đến giá. Lý do là khi xem xét các phiếu thu thập thì đã đúng với giá trị mặt bằng thị trường. Còn căn cứ nào để nói là đúng giá thực tế thì dựa vào… kinh nghiệm chuyên gia.
HĐXX hỏi thêm ai thống kê mặt bằng thị trường, kinh nghiệm bị cáo dựa vào đâu?... Từ đó, theo HĐXX, bị cáo không khảo sát, kiểm tra độ trung thực, khách quan của chứng thư mà cho rằng đúng là cảm tính.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, tại tòa
Yêu cầu nộp bổ sung 641 tỉ đồng
Liên quan khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Thanh Yến phải nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính hơn 641 tỉ đồng. Như vậy, con số này vượt xa giá Hội đồng TĐG đã định giá khu đất trong vụ án này là hơn 121 tỉ đồng. Số tiền này cũng cao hơn so với kết quả định giá của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ tại thời điểm ngày 16-2-2016 (hơn 184 tỉ đồng), thời điểm ngày 5-10-2020 (446 tỉ đồng).
Công ty CP Thanh Yến đã có văn bản phúc đáp không chấp nhận bổ sung nghĩa vụ tài chính vì cho rằng đã hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với Hợp đồng BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa. Theo công ty này, việc yêu cầu nộp thêm không phù hợp với nguyên tắc "luật bất hồi tố". Doanh nghiệp này khẳng định đã thực hiện theo đúng các quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về nghĩa vụ tài chính của khu đất số 1 Trần Hưng Đạo.
Về vấn đề thẩm định giá và chứng thư với 6 phiếu lập khống của Công ty DATC, 6 luật sư bào chữa cho các bị cáo có đơn gửi TAND tỉnh Khánh Hòa đề nghị triệu tập các ông Đinh Quang Vũ, Đặng Xuân Toàn, Vũ Hải Long thuộc Công ty DATC nhằm làm rõ bản chất, xác định trách nhiệm hình sự, dân sự của những người ban hành chứng thư không đúng sự thật. Các luật sư đồng thời đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa triệu tập đại diện hội đồng định giá tài sản trong tố tụng cấp tỉnh, cấp bộ để làm rõ bản chất vụ án.
Giảm giá từ 21 tỉ đồng còn hơn 9,4 tỉ đồng
Trả lời về căn cứ nào khi chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm là thành viên Hội đồng TĐG lại đồng ý giảm giá trị tài sản trên đất của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ từ 21 tỉ đồng xuống hơn 9,4 tỉ đồng để trình lãnh đạo UBND tỉnh này thông qua, bị cáo Tâm cho rằng việc thanh lý có 2 hình thức gồm bán và phá dỡ. Hội đồng đã chọn bán và định giá 21 tỉ đồng nhưng vì bán không được mà chỉ có Công ty CP Thanh Yến mua về để phá dỡ nên mới giảm giá còn 9,4 tỉ đồng. Việc giảm giá này không gây hậu quả mà còn có lợi cho nhà nước vì giá trị phá dỡ sẽ thấp hơn 9 tỉ đồng, do đó bị cáo có phần oan.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng bị cáo Tâm không đưa ra được căn cứ nào để giảm giá; bị cáo bị truy tố vì hành vi thực hiện không đúng quy trình, tự giảm giá theo ý chí chủ quan.