Phạm vi quy hoạch KKT Thái Bình gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. KKT Thái Bình có diện tích 30.583ha, phía Bắc giáp TP Hải Phòng, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Nam Định, phía Đồng giáp biển Đông với 50km bờ biển, phía Tây giáp các xã của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Ca cho biết thêm: Thái Bình là vựa lúa khu vực phía Bắc, diện tích lúa nước lớn nhất khu vực đồng bằng sông Hồng với 82.000ha đất lúa, đến năm 2020 vẫn giữ lại 76.000ha đất lúa, còn 6.000ha đất nội đồng chỉ được phép phát triển giao thông, công sở, đô thị. Vì vậy, muốn phát triển, Thái Bình phải lấn ra biển.
Ông Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình làm rõ một số nội dung băn khoăn của các Bộ, ngành.
Trong nhiều năm qua, Thái Bình cũng phát triển các khu công nghiệp (KCN) ven biển với những KCN, cụm công nghiệp lớn, trong đó phải kể đến KCN Tiền Hải 466ha do Viglacera là chủ đầu tư hạ tầng. Huyện Tiền Hải cùng với huyện Thái Thụy đóng góp vào ngân sách của tỉnh gần 5.000 tỷ/năm trong tổng số 8.000 tỷ đồng/năm của cả tỉnh.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã góp ý, đánh giá cho nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KTT Thái Bình đến năm 2030. Theo đó đơn vị tư vấn đã nêu khá đầy đủ lợi thế, tiềm năng cũng như hiện trạng của KKT và những định hướng lớn về quan điểm, mục tiêu phát triển, các chỉ tiêu của nhiệm vụ đồ án. Đối với một số nội dung các Bộ, ngành còn băn khoăn, hội đồng đề nghị tư vấn truyền tải vào nhiệm vụ thuyết minh.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, đánh giá của hội đồng, bà Trần Thu Hằng đề nghị: Về diện tích KKT Thái Bình, phải thống nhất dựa trên căn cứ pháp lý là Quyết định số 36/201//QĐ-TTg ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập KKT Thái Bình, cụ thể là 30.583ha, bao gồm các khu vực đất liền và khu vực cảng biển.
Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình phải đánh giá rõ hiện trạng sử dụng đất vì tỉnh Thái Bình đã thu hút đầu tư vào các KCN, khu du lịch và nông nghiệp, thủy sản, nhiều khu vực chức năng đã hình thành.
Bà Trần Thu Hằng cũng lưu ý đơn vị tư vấn cân nhắc thời hạn quy hoạch đến năm 2035 để đảm bảo tính khả thi nguồn lực thực hiện cũng như quá trình thực hiện về sau, cân nhắc tới dự báo về dân số của KKT.
Ngoài việc đánh giá kết nối vùng duyên hải và đồng bằng sông Hồng, nhiệm vụ quy hoạch cần làm rõ vai trò, vị trí trong mối quan hệ của KKT với tỉnh Thái Bình khi KKT là động lực quan trọng, động lực mới cho tỉnh Thái Bình phát triển về phía biển.
Bà Trần Thu Hằng cũng lưu ý tư vấn cân đối các khu vực đô thị, có thể áp dụng chỉ tiêu đô thị loại II để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo phù hợp nguồn lực.
Nhiệm vụ quy hoạch phải làm rõ các khu chức năng chính, đó là các khu vực bảo tồn rừng, các khu vực phát triển rừng ven biển và khu vực ven biển có rừng, khu vực ven biển nuôi trồng thủy sản; làm rõ những động lực mới, đó là khu vực cảng, khu phát triển khí, những khu hành chính mới; phải nêu bật được đặc trưng của KKT với các kết nối với đường ven biển, các đường kết nối trong vùng tỉnh. Toàn bộ phần định hướng hạ tầng kỹ thuật phải gắn với đúng thực trạng phát triển của KKT và đảm bảo tính đặc trưng của KKT.
Việc đánh giá môi trường chiến lược phải đánh giá được cụ thể, đúng tính chất và đặc trưng khi có các khu vực nuôi trồng thủy sản, đất trồng rừng.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường và thoát nước thải vệ sinh môi trường, từ đó cân nhắc giữa phát triển công nghiệp và phát triển nông nghiệp, dịch vụ. Những khu vực nào kiểm soát nghiêm ngặt về thoát nước, vệ sinh môi trường, khu vực nào kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn.
Bà Trần Thu Hằng nhấn mạnh: Nhiệm vụ quy hoạch không yêu cầu nghiên cứu ở mức độ đồ án nhưng phải có định hướng để bảo đảm yêu cầu khi nghiên cứu đồ án, các đơn vị tư vấn có đầu bài rõ ràng mạch lạc, đúng định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.