Sáng 10/9, Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính Phủ và Tổng Cục Hải quan Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công tư toàn thể với cộng đồng thương mại có chủ đề “Bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam”.
Tại hội nghị này, khi được hỏi ông nghĩ gì về các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thương mại thế hệ mới với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Khi đi ký ông có lường trước việc thực thi của Việt Nam sẽ phải vượt qua những khó khăn như thế nào?
Trước câu hỏi trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương ) cho biết, đối với Việt Nam tốc độ tham gia tiến trình hội nhập quốc tế rất nhanh.
Theo ông Hải, nếu tính điểm khởi đầu khi chúng ta gia nhập ASEAN vào năm 1996, sau đó đến 2007 tham gia WTO. Hiện nay, thời điểm 2018, chúng ta đã ký kết tham gia và chuẩn bị tham gia vào 17 FTA.
“Với chu kỳ 11 năm như vậy, tốc độ tham gia các hiệp định thương mại tự do nói riêng và kinh tế nói chung rất nhanh. Qua đây có thể thấy, việc chúng ta bắt kịp “chuyến tàu” từ “chuyến tàu” đầu tiên là ASEAN năm 1996, sau đó đến “chuyến tàu” WTO và hiện nay là FTA thể hiện bước đi rất mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách đổi mới”, ông Hải nói.
Đối với hiệp định FTA thế hệ mới, ông Hải cho biết, đây là một sự tiếp nối của tiến trình hội nhập đã trải qua trước đây. Ở FTA thế hệ mới các cam kết sẽ sâu hơn.
Ví dụ, thể hiện qua các mức thuế, trước đây có thể giảm từ 5-10% nhưng hiện nay sẽ xuống 0%. Riêng các dòng thuế trước đây giảm xuống 70-80% thì hiện nay lên tới 95-100%.
Ngoài ra, phạm vi của các hiệp định FTA cũng sẽ mở rộng ra, không chỉ về thuế hay hàng hóa nữa mà sẽ sâu hơn về dịch vụ, trí tuệ, môi trường, lao động.
Ông Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ở góc độ Bộ Công thương khi đàm phán hiệp định FTA như vậy, một mặt chúng ta mong muốn mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Điều đó thể hiện một phần qua tốc độ tăng trưởng con số xuất khẩu của chúng ta thời gian qua.
“Chúng tôi làm phép so sánh sơ bộ so với thời điểm chúng ta tham gia ASEAN, sau đó chúng ta ký FTA với Hoa Kỳ và tham gia vào WTO với thời điểm hiện nay, sau mỗi chu kỳ như vậy vào khoảng 6-7 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 3 lần. Điều đó phản ánh việc chúng ta tham gia các FTA mang lại lợi ích rất rõ”, ông Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu
Bên cạnh đó các tác động đối với nền kinh tế trong nước cũng thể hiện rất rõ rệt thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài và tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế. Với chủ trương hiện nay chúng ta cũng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, dần dần giảm tỷ trọng của các mặt hàng nguyên liệu, khoáng sản thô, ít qua chế biến.
Ngoài ra, theo ông Hải, việc tham gia các FTA cũng khiến tư duy quản lý của nhà nước và doanh nghiệp hiện nay cũng có những thay đổi rất đồng bộ. Các doanh nghiệp thay đổi trước hết, sau đó các cơ quan nhà nước cũng phải có sự thay đổi để bắt kịp để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Đôi khi chúng tôi cũng băn khoăn là tốc độ đi như vậy có quá nhanh không? Hoặc chúng ta nhìn lại có điều gì đó cần lưu ý không?”, ông Hải nêu vấn đề.
Theo ông Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với đặc điểm hiện nay khi chủng nghĩa bảo hộ đang gia tăng là đặc điểm của thời điểm 2018 thì tác động trước hết đối với Việt Nam là nền kinh tế đang có sự hội nhập rất nhanh. Đang phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, với chủ nghĩa bảo hộ khi dựng lên “bức tường” như vậy rõ ràng các nước như Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn.
Thứ hai, bên cạnh việc tiến trình mở cửa đem lại những thành tựu cho chúng ta thì cũng cần phải có sự chuẩn bị nội lực để đảm bảo thị trường trong nước, giữ vững ổn định, tránh khả năng có những cái “hở sườn” khi mở cam kết với bên ngoài, đó là những cái bất lợi mà không kịp ứng phó.
“Hiện nay vấn đề này đâu đó đã nhìn thấy trong một số lĩnh vực như ngành phân phối, thực phẩm. Đây là những cái Bộ Công thương và các cơ quan nhà nước đang cân nhắc để có những giải pháp hỗ trợ”, ông Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.