Phát biểu tại Hội thảo CPTTP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, được tổ chức ngày 28/11, tại Hà Nội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp phải tự nhận diện được các thách thức và cơ hội của mình. Bởi nếu không nhận thức đầy đủ thì doanh nghiệp không thể tự đổi mới mình, có tầm nhìn và phương thức để ứng phó.
Muốn tham gia một cách hiệu quả vào CPTPP, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ. (Ảnh minh họa)
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, việc một doanh nghiệp đơn lẻ tự mình đứng vững trong CPTPP là khó. Do vậy, cần liên kết các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong các năm qua. Các doanh nghiệp vẫn "đơn thương độc mã" trong hội nhập
.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế này, CPTPP mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội khi hầu hết các quốc gia thành viên đều đưa mức thuế suất về 0%, giảm thiểu hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đồng thời tạo động lực để cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư và xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận được các công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh...
Cùng chung nhận định trên, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhấn mạnh, CPTPP là một trong những Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Ông Ngô Chung Khanh
Lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế, cam kết đối với hoạt động mua sắm công, cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước. Cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. "CPTPP là cơ hội lớn để Việt Nam cải cách thể chế", ông Khanh nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc tham gia CPTPP, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, thu hút và gia tăng đầu tư vốn FDI theo cả hai chiều nhờ nhận được những ưu đãi thuế và chính sách cạnh tranh bình đẳng.
TS. Nguyễn Minh Phong
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực. Trong đó, áp lực đến từ sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà.
Điều này cũng được ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh khi đề cập đến chuyện một số doanh nghiệp Việt mải mê với "sân chơi lớn" mà lại "bỏ ngỏ" thị trường đầy tiềm năng trong nước trong khi rất nhiều DN nước ngoài đang muốn chiếm lĩnh.
Ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng, thực tế các mặt hàng như: Xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn "cháy hàng" ở thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết.
"DN Việt cần quay lại cạnh tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài", ông Khanh lưu ý.
Bà Phan Thị Thanh Xuân
Nhận thức được khó khăn thách thức khi tham gia CPTPP, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Da Giầy, Túi xách Việt Nam cho rằng, bên cạnh cơ hội to lớn, thách thức lớn nhất đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tính chủ động rất hạn chế.
Đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, ít chủ động tiếp cận với thị trường nên thiếu tầm nhìn xem sẽ tận dụng được gì, đạt được gì sau khi hiệp định được thực thi. Vấn đề tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cho việc tiếp cận thị trường và hưởng lợi thế. "Phải định vị xem mình đang ở đâu, đang thiếu cái gì?" - bà Xuân nói.
Theo Tổng Thư kí Hiệp hội Da Giầy, Túi xách Việt Nam, việc cần làm là tiếp cận thông tin, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thống, kết nối. "Nếu doanh nghiệp không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin được", bà Xuân nêu rõ.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 6 nước phê chuẩn đầu tiên là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia. Hiệp định sẽ có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30/12/2018.
Việt Nam phê chuẩn CPTPP vào ngày 12/11 và thông báo cho New Zealand vào 15/11. Hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019./.