Tính tới thời điểm hiện tại, nhà chức trách đã xác nhận hơn 1.200 trường hợp tử vong trong thảm họa kép động đất kèm theo sóng thần hôm 28/9 ở Indonesia. Con số thương vong có thể sẽ tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp cận những khu vực xa xôi hẻo lánh hoặc bị cô lập sau thảm họa kép cuối tuần trước.
Theo báo cáo, hàng chục người đang bị vùi lấp dưới những đống đổ nát trong các khách sạn và trung tâm mua sắm ở thành phố Palu nằm trên đảo Sulawwesi, nơi bị những con sóng cao tới 6 m tàn phá sau khi trận động đất mạnh 7,5 độ gây ra sóng thần. Theo lời một phụ nữ được cứu thoát khỏi đống đổ nát của khách sạn Roa Roa, có tới 60 người đang mắt kẹt trong đó. Hàng trăm người khác cũng đang nỗ lực đào bới mảnh vụn từ tòa nhà 8 tầng của trung tâm thương mại Tatura nhằm tìm kiếm người thân.
Hầu hết những trường hợp thiệt mạng đều được ghi nhận ở Palu. Nhà chức trách lo ngại số thương vong có thể tăng cao hơn nữa khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực xa xôi hẻo lánh hơn. Một ước tính cho thấy có tới 300.000 người chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa kép và phần nhiều trong số đó vẫn bị cô lập kể từ ngày 28/9.
"Chúng tôi đã nhận báo cáo từ 3 khu vực khác nhau. Người dân ở nhiều vùng đang phải sống trong tình trạng mất điện. Chúng tôi chưa thể xác định chính xác những tác động mà thảm họa kép gây ra", Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Khắc phục thảm họa quốc gia Indonesia, cho hay.
Palu nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 1.500 km về phía đông bắc. Thành phố này là nơi ở của khoảng 1,4 triệu người. Những tòa nhà đổ sập cùng tình trạng cướp bóc và đập phá để lấy tài sản càng làm tình hình trở nên phức tạp. Những dư chấn sau động đất khiến những ngôi nhà sắp sập trở thành những cái bẫy chết người.
Ít nhất 5 người nước ngoài, bao gồm 3 người Pháp, 1 người Hàn Quốc và 1 người Malaysia nằm trong số những người mất tích. Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla lo ngại số người thiệt mạng có thể tăng lên tới hàng nghìn, vượt xa con số 1.200 trường hợp tử vong vừa được công bố.
Trong chuyến thị sát tới khu vực gặp nạn, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi người dân bình tĩnh đồng thời khẳng định chính phủ sẽ dành nhiều chú tâm tới việc tái thiết lại khu vực, trong đó mở đầu là điện và hệ thống thông tin liên lạc. Ông Widodo cũng gọi thảm họa là sự kiện đau buồn với Indonesia chứ không chỉ là nỗi đau của người dân vùng thảm họa.
Hiện tại, nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực đã đề nghị sẵn sàng hỗ trợ Indonesia bằng nguồn nhân lực hoặc hàng hóa và tiền.