Các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay hơn nữa để hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, nếu họ chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận.
“Vay vốn còn khó, mơ gì lãi suất thấp!”
Công ty TNHH MTV Thương mại dịch Vụ Huỳnh Thy (kinh doanh thiết bị cảng biển, vận tải, thiết bị công nghiệp, đại lý xe ô tô con, xe tải, xe đầu kéo, thiết bị xây dựng) đang vay vốn tại ba ngân hàng BIDV, Bản Việt và Liên doanh Việt - Nga (VRB) với tổng vốn vay hơn 100 tỷ đồng.
Với mức lãi suất 8%/ - 10%/năm tùy đợt vay, lãi vay hiện chiếm khoảng 20% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Đỗ Thành Đạt, Giám đốc điều hành công ty cho biết, do đang khó khăn về nguồn vốn và trước thông tin hệ thống ngân hàng tung ra các gói vay ưu đãi lãi suất, doanh nghiệp đã tìm hiều và được biết, trong ba ngân hàng đối tác, mới chỉ có BIDV đã công bố giảm lãi suất.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi hạ lãi suất, các ngân hàng đã giảm trung bình khoảng 1% lãi suất cho khách hàng |
Cụ thể, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm.
Sau khi liên hệ để vay vốn ưu đãi lãi suất, chiều 26/7, công ty đã được nhân viên BIDV thông báo giảm lãi suất đối với gói vay mới xuống còn 6,8%/năm, còn các gói vay cũ vẫn giữ nguyên, thấp nhất là 8,5%/năm.
Trong khi đó, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism thông tin, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng cực kỳ khó tiếp cận vốn, nhất là vốn lãi suất thấp.
“Ngân hàng chỉ cho vay vốn lưu động và kinh doanh chứ không cho vay để chi trả chi phí cơ bản duy trì nên doanh nghiệp không vay được, kể cả có tài sản thế chấp.
Trong khi đó, nếu công ty hoạt động trở lại được thì lại không cần vay nữa vì có vốn lưu động từ quay vòng với đối tác.
Đó là nghịch lý vì khi cần thì không được vay, khi được vay thì lại không cần”, bà Ngần nói và cho biết, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Hanoi Tourism không biết khi nào mới hoạt động trở lại.
Đối với gói vay lãi suất 0% để trả lương cho nhân viên, người lao động thì cả ông Đạt và bà Ngần đều cho biết không thể tiếp cận được vì “chưa có hướng dẫn”, hoặc hồ sơ gửi đi nhưng không có phản hồi.
Huỳnh Thy, Hanoi Tourism chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Theo Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam - VCCI, kết quả điều tra từ hơn 12.000 doanh nghiệp sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát cho thấy, có 57% doanh nghiệp khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH và gần 40% chưa tiếp cận được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...
Ngoài ra, 83% doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; 60% doanh nghiệp phản ánh lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước; 46% phản ánh thủ tục vay vốn còn rất phiền hà; 39% cho biết ngân hàng, các tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp.
Giảm 1% lãi suất, lợi nhuận hệ thống “bay” 96.000 tỷ
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hạ lãi suất cho vay theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng.
Cụ thể, MSB giảm 3%/năm lãi suất cho vay phục vụ kinh doanh với hộ kinh doanh và 1%/năm cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đây là đợt giảm lãi lớn của MSB trong năm với tổng hạn mức gần 5.000 tỷ đồng.
Hiện, lãi suất cho vay được áp dụng cho các đối tượng ưu tiên là kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại dược - y tế… chỉ từ 5,5%/năm...
Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở Hà Nội có room tín dụng 2021 gần cạn cho biết: “Chỉ khi được nới room và lãi suất đầu vào thấp thì ngân hàng mới có thể giảm lãi suất bền vững. Nhưng nếu hạ đầu vào thì khó hút vốn.
Hiện, việc giảm lãi suất của các ngân hàng chỉ mang tính chất tình thế bởi rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh rất lớn, nợ xấu nguy cơ tăng lên rất cao”.
Trên thực tế, trong đợt hạ lãi suất này, mức giảm trung bình của các ngân hàng công bố là khoảng 1%, trừ Vietcombank áp dụng cho tất cả khách hàng, còn lại hầu hết đều khoanh vùng từng nhóm khách hàng để áp dụng. Đồng thời, các chính sách chỉ áp dụng tới cuối năm nay.
Trong cuộc họp kêu gọi các ngân hàng hàng đồng thuận hạ lãi suất cho vay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý các ngân hàng mặc dù hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống ở mức cao nhất bởi các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành ngân hàng là có độ trễ.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng quá chậm trễ trong việc hạ lãi suất. Trong 4 đợt dịch bùng phát, các ngân hàng không giảm lãi suất cho vay nhiều, trong khi lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm sâu từ tháng 3 năm ngoái tới nay.
“Các ngân hàng đáng lý phải giảm lãi suất sâu hơn và sớm hơn. Ngân hàng hưởng lợi từ xã hội thì phải có trách nhiệm với xã hội. Tôi vẫn muốn ngân hàng giảm chi phí qua việc tìm vốn rẻ, tăng thêm dịch vụ, giảm thiểu chi phí hoạt động, chi phí marketing để có thể hạ lãi suất dù không nhiều”, ông Hiếu nói.
Vậy các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay vốn để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế không? Câu trả lời là có, nếu ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận.
Tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng mới đây, đại diện LienVietPostBank cho biết, nếu giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì lợi nhuận của ngân hàng này giảm khoảng 600 tỷ đồng; Sacombank giảm 1% lãi suất trong vòng 5 - 6 tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng (40% lợi nhuận kế hoạch); BIDV giảm lãi suất 1%, lợi nhuận 2021 sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng…
Theo tính toán của chuyên gia Cấn Văn Lực, nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế (khoảng 9,6 triệu tỷ đồng), lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
Theo kết quả điều tra từ hơn 12.000 doanh nghiệp của VCCI, có 38% doanh nghiệp đồng ý với nhận định: “Việc bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng để được vay vốn là phổ biến”. Thậm chí, có tới 26% doanh nghiệp phản ánh hiện tượng “cán bộ ngân hàng/tổ chức tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ”... |
(Theo Báo Giao Thông)