CTCP City Auto (City Ford- mã chứng khoán CTF) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó City Auto dự kiến phát hành 21,6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Mục đích của đợt phát hành này là để xây dựng thêm showroom của công ty giai đoạn 2018-2019, thực hiện mua lại các showroom có vị trí đẹp của các công ty cùng ngành nghề và/hoặc trực tiếp tham gia mua cổ phần chi phối các công ty có cùng ngành nghề có mạng lưới phân phối đa dạng, lớn và hệ thống showroom đa dạng, vị trí đẹp để mở rộng thị phần.
Tạm quên đi những con số hay những vấn đề liên quan đến "cổ cánh", định hướng của City Auto liên quan đến việc mua lại các showroom có vị trí đẹp của các công ty cùng ngành nghề là một đề tài thú vị nhiều người quan tâm.
Chuyện những "cá mập" đi thâu tóm đối thủ
Chắc độc giả vẫn chưa quên. Gần đây nhất là chuyện Grab thâu tóm Uber ở thị trường Đông Nam Á. Chuyện của 2 ông lớn ngành công nghệ vận tải này quá dài để kể nhưng có một điều dễ thấy: Uber không còn ngáng chân Grab trong việc cạnh tranh ở Đông Nam Á nữa.
Khi đối thủ mạnh Uber cạnh tranh, Grab tất nhiên cũng phải gồng mình lên đáp trả. Từ chính sách giá cho người tiêu dùng đến chính sách cho tài xế đều phải cạnh tranh nhau từng ly từng tí. Mà, mỗi chính sách cạnh tranh đưa ra là một lần phải nghiến răng chịu chi là điều chắc chắn. Grab hay Uber đều lỗ đậm theo báo cáo tài chính mặc dù taxi truyền thống đã phải lao đao mất thị phần vô đối.
Hai con hổ nếu ở cùng một núi thì việc đầu tiên là chúng mải mê cắn nhau để khẳng định vị thế "chúa tể sơn lâm" chứ khó lòng nào cùng nhau chung sống hoà bình được. Uber và Grab cũng vậy, nếu một bên chấp nhận ra đi thì bên kia sẽ là "chúa tể sơn lâm". Chính vì thế, Grab mua lại Uber, suy cho cùng chẳng phải là được dùng luôn đội ngũ tài xế, người dùng của Uber mà đơn giản, Grab đã phải chi tiền để Uber bỏ lại mảng thị trường mình đã dày công gây dựng. Grab lúc này là "ông lớn" của thị trường vận tải công nghệ chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ đó. Có những đối thủ khác cũng ngoi lên dành phần nhưng suy cho cùng thì phần lớn thị phần Uber đã bỏ lại đều về tay Grab.
Mới gần đây, hồi tháng 5 năm nay, hãng dược phẩm lớn nhất Nhật Bản Takeda đã đạt được thỏa thuận mua lại hãng dược đối thủ Shire (Ireland) với giá 46 tỉ bảng (62 tỉ đô la Mỹ). Mua lại đối thủ, Takeda nghiễm nhiên trở thành hãng dược phẩm lớn thứ 8 thế giới.
Thương vụ sẽ tạo ra một hãng dược lớn thứ tám thế giới với tổng doanh thu hàng năm khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, đồng mở rộng sự hiện diện ở các thị trường hấp dẫn hơn như Mỹ và châu Âu, vốn là những thị trường chính của Shire.
Các hãng dược thường xem thâu tóm là con đường nhanh nhất để hỗ trợ cho các kế hoạch kinh doanh thay vì phải tự tiến hành các hoạt động nghiên cứu đầy tốn kém và rủi ro. Cũng giống như nhiều đối thủ ở phương Tây, hãng dược Takeda, được thành lập cách đây 237 năm, đang thiếu các sản phẩm có bản quyền.
Các loại thuốc bán chạy nhất của Takeda bao gồm thuốc điều trị các bệnh chuyển hóa, ung thư và tim mạch. Thâu tóm Shire sẽ bổ sung cho danh mục sản phẩm của Takeda nhiều loại thuốc điều trị các căn bệnh hiếm gặp và thường có giá rất cao và biên lợi nhuận cao.
Tuy nhiều cổ đông vẫn lo ngại việc Takeda vay nhiều tiền thực hiện thương vụ khiến công ty phải gánh quá nhiều nợ nhưng lãnh đạo công ty dược này tin tưởng rằng các cổ đông sẽ tán thành thương vụ vì xem đây là cơ hội để tạo ra một công ty có tính cạnh tranh cao trong tương lai.
City Ford quyết định đi thâu tóm đối thủ khi thị trường ô tô đang hỗn loạn
Các câu chuyện "cá mập" đi thâu tóm đối thủ kể trên đều cho thấy, dù sau M&A là gì đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của M&A của bên "cá mập" cũng là để làm mình lớn mạnh hơn và loại bỏ được đối thủ đang khiến mình liên tục phải đau đầu.
Trở lại với chuyện City Ford quyết định đi thâu tóm đối thủ, mục đích của City Ford ghi rõ trong bản nghị quyết là để mở rộng thị phần.
Thực tế cho thấy, thị trường xe ô tô nhập khẩu đang vô cùng hỗn loạn. Báo cáo của các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong 58.558 xe bán ra trong quý 1/2018 vừa qua chỉ có 9.509 xe nhập khẩu. Doanh số bán hàng toàn thị trường giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái đã là một điểm đáng ngại đối với ngành ô tô còn đối với riêng ô tô nhập khẩu thì đáng sợ hơn nữa. Trong khi doanh số bán xe lắp ráp trong nước đạt mức tăng trưởng 8% thì doanh số bán xe nhập khẩu giảm đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sở dĩ doanh số bán xe nhập khẩu giảm mạnh chủ yếu do tác động của chính sách mới đối với ô tô nhập khẩu. Tính chung cả quý 1 đầu năm, chỉ mỗi Honda là có lô xe nhập khẩu được về từ Thái Lan, còn các hãng Toyota, Ford hay Nissan đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Bối cảnh ngành ô tô nhập khẩu sụt giảm mạnh doanh thu đã kéo theo một hệ luỵ khác: nhân viên cũng thiếu việc dài dài. Hệ thống sales hùng hậu của các showroom ô tô "bỗng chốc" phải ngồi chơi, chán nản, thu nhập thấp đành bỏ nghề bán xe đi tìm việc làm khác.
Riêng đối với xe Ford tại Việt Nam, không chỉ doanh số giảm sút mà còn hiện tượng xe không có mà bán. Một số showroom xe Ford còn ra thông báo rõ về việc tạm dừng bán một số dòng xe do "không nhập được hàng về". Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều showroom rơi vào tình trạng khó khăn, nhân viên bỏ việc, lãnh đạo cũng bị động trong giải quyết tình thế do phụ thuộc vào tiến trình nhập xe.
Trên trang chủ của nhiều đại lý xe Ford hồi đầu năm đã thông báo tạm ngừng đặt hàng đối với 2 dòng xe Ford Ranger và Ford Explorer bắt đầu từ tháng 1 và tháng 2/2018 do không nhập được hàng về vì chưa đáp ứng đủ yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Trong báo cáo tháng 4 của VAMA, ngày 9/5, General Motors Việt Nam thông báo tạm ngừng cung cấp mẫu SUV đô thị Chevrolet Trax cỡ nhỏ nhập khẩu từ Hàn Quốc do hãng chưa đáp ứng được các yêu cầu để nhập xe từ Hàn theo quy định mới...
Trước thảm cảnh của thị trường ô tô nhập, City Ford lại đột ngột lên kế hoạch tăng vốn với mục đích rõ ràng để thâu tóm các showroom khác. "Bắt đáy" thành công các showroom, City Ford chắc chắn sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, nghiễm nhiên có hàng loạt mặt bằng kinh doanh với vị trí đẹp trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn đang phải đau đầu kiếm vị trí và đặc biệt là nâng cao vị thế của mình. Nếu City Ford thất bại, chi phí nuôi bộ máy khổng lồ trong đó lớn nhất có thể là tiền thuê địa điểm kinh doanh đẹp sẽ khiến City Ford lao dốc. Có lẽ, chính bản thân City Ford cũng đã mạo hiểm vô cùng với kế hoạch này.
Phải nói thêm rằng, lý do vì sao không phải là một công ty khác mà là City Ford tính đến kế hoạch mạo hiểm này nằm ở chỗ: khác với hàng nghìn showroom ô tô khác trên cả nước, City Ford là doanh nghiệp niêm yết. City Ford đã tận dụng lợi thế của một doanh nghiệp trên sàn với kênh huy động vốn rộng hơn để thâu tóm đối thủ đang gặp khó khăn. Nguồn vốn huy động từ phát hành cổ phần sẽ giúp công ty không phải lo lắng về lãi vay hay chi phí lớn nào khác. Điều duy nhất City Ford cần làm là làm sao cho cổ đông của mình tin rằng hành động "bắt đáy" của mình không phải là bắt dao rơi để rồi phải "ôm rơm nặng bụng" mà sẽ nhận được cú phục hồi mạnh sau đó.
Tham lam khi cả thị trường ô tô nhập sợ hãi không phải là một phương án tồi. Chỉ có điều, những rủi ro cho City Ford vẫn còn bỏ ngỏ và những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm đã chọn cách bán cổ phiếu đi khiến giá CTF giảm 11% từ sau bản công bố thông tin của doanh nghiệp này.