Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng – người phát ngôn của Chính phủ khẳng định điều này và cho biết thêm: “Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ lắm!”
“Đồng thuận thì chẳng có gì không làm được”
PV: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ có rất nhiều khó khăn phải vượt qua để đạt được thành tích ấn trượng về KT-XH trong năm 2018. Là người theo sát Thủ tướng, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tướng rất tâm huyết, trách nhiệm và xử lý vấn đề uyển chuyển, giữ nguyên tắc bám vào quy định của pháp luật. Tuy vậy, trong thực tiễn điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng đòi hỏi cần phải có sự quyết đoán, vì nhiều vấn đề luật chưa theo kịp thực tiễn.
Quyết đoán nhưng phải tạo sự đồng thuận trong Chính phủ và các Bộ, ngành. Tạo sự đồng thuận là vấn đề khó nhất. Có nội dung văn bản các Bộ gửi lên, khi đưa ra thảo luận có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Mọi sự đồng thuận thì chẳng có gì không làm được! |
Vừa qua chúng ta rất thành công tạo ra cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước và nếu không có cơ chế đủ mạnh thì không thu hút được sự tham gia của tư nhân. Thủ tướng đã đưa ra quyết sách rõ, gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ.
Trong xử lý tình huống liên quan đến quốc tế có nhiều vấn đề phức tạp nhưng các đồng chí chủ chốt đều ngồi với nhau để đánh giá công việc, giải quyết vướng mắc, xử lý vấn đề bức xúc liên quan.
Nhiều sức ép, nhưng vừa qua, cơ quan, người đứng đầu cơ quan hành pháp xử lý rất nhiều vấn đề. Các cơ quan khác cũng có điều chỉnh, tạo sự đồng thuận cao. Mọi sự đồng thuận thì chẳng có gì không làm được.
PV: Căn cứ tiêu chí được Chính phủ thống nhất thì theo Bộ trưởng, Bộ, ngành, địa phương nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đánh giá về toàn diện thì báo chí hơn chúng tôi, nhưng các Bộ ngành, địa phương đều quyết tâm rất cao, hoàn thành với mức độ khác nhau.
Quan trọng nhất là vai trò người đứng đầu trong việc tạo ra sự đồng tâm nhất trí cao. Có địa phương lợi thế nhưng người đứng đầu hoặc bộ máy không đoàn kết thì không tạo được dư địa tăng trưởng mới. Nhưng có những địa phương thay đổi hẳn chiến lược tăng trưởng và tạo sự chuyển biến tích cực. Tất cả đều có sự cố gắng nên so sánh thì khó.
PV: Phương châm trong năm 2019 của Chính phủ nhấn mạnh yếu tố bứt phá để về đích, vậy trọng tâm bứt phá là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vấn đề kỷ cương, liêm chính là tinh thần xuyên suốt của Chính phủ nhiệm kỳ này. Còn năm 2019 đặt yêu cầu sáng tạo, bứt phá, phát triển mang tính hiệu quả. Thời gian cuối của nhiệm kỳ thì bứt phá rất quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.
Nội hàm bứt phá rất rộng nhưng tựu lại là về thể chế, cơ chế chính sách, từ sáng tạo, xây dựng chiến lược quy hoạch. Trong đề xuất xây dựng thể chế, trách nhiệm của Chính phủ phải mạnh mẽ vấn đề phân cấp, rõ thẩm quyền và trách nhiệm.
Như sửa đổi 1 Luật mất rất nhiều thời gian, nên sẽ sửa theo hướng cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước. Chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu không có cơ chế bứt phá thì không ai chuyển. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 18 của Đảng về tinh giản biên chế, nếu không bứt phá mạnh mẽ thì không thể làm hoặc làm mà hiệu quả không cao.
Năm 2019 phải làm tốt thanh toán điện tử, để thế này không ổn, phải có liên kết, có dịch vụ công trực tuyến minh bạch, công khai, giảm tham nhũng vặt.
Bứt phá là sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ, cả hệ thống chính trị chứ không riêng cơ quan Chính phủ. Dư địa phát triển rất nhiều nếu chúng ta tận dụng, phát huy được.
Yêu cầu hành động mà rụt rè là không ổn!
PV: Vừa qua Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh, trong đó có có các thành viên Chính phủ. Theo ông, kết quả đó tạo sự khuyến khích cũng như nhắc nhở các Bộ trưởng như thế nào để hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua rất khách quan, đánh giá công tâm, thực chất. Lần đầu tiên Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phải trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng theo tôi được chất vấn như thế mới tốt. Người ta không hỏi thì sẽ chẳng biết mình làm cái gì, và cá nhân tôi cũng trả lời thẳng thắn.
Phiếu tín nhiệm đánh giá sự cố gắng thì cũng mừng, còn những phiếu tín nhiệm thấp cũng nhắc nhở mình phải cố gắng. Đây là thước đo rất quan trọng để làm tốt hơn, chứ không phải vì thế mà nghĩ mình làm thế này mà người ta không nhìn thấy rồi tự ái thì không được.
Tôi cho rằng đánh giá đó rất công tâm vì ở chỗ này mình làm được, chỗ khác mình làm chưa được, cho nên càng phải cố gắng rèn giũa tốt hơn thôi!
"Phiếu tín nhiệm đánh giá sự cố gắng thì cũng mừng, còn những phiếu tín nhiệm thấp cũng nhắc nhở mình phải cố gắng" |
PV: Trung ương mới ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương. Theo Bộ trưởng, một Chính phủ nêu gương thì đòi hỏi phải làm gì? Bản thân Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương thì sẽ thực hiện quy định nêu gương như thế nào?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là rất quan trọng, rất hay. Nêu gương mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình. Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn.
Với trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ thì đầu tiên phải làm tốt chức trách được giao. Mỗi người hoàn thành chức trách, nhiệm vụ để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt. Trước hết thực hiện nghiêm các quy định, như chỉ đạo không dùng xe công đi chùa thì mình phải quán triệt. Không gương mẫu thì báo chí, người dân sẽ phản ánh vì thời đại “báo chí công dân” mình đi đâu người dân đều biết và giám sát.
Một khía cạnh khác cần lưu ý là nếu co mình lại, không dám làm gì thì không ổn. Yêu cầu phải quyết liệt, hành động. Cơ quan tham mưu cho Thủ tướng không dám đề xuất những hành động, rụt rè là không được. Có những việc Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu ý kiến thì tôi phải có báo cáo riêng và chịu trách nhiệm chứ đâu phải đơn giản!
Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ lắm, cái gì là cá nhân, cái gì là tập thể. Thủ tướng nêu đích danh thì tôi cũng phải ký mang tư cách cá nhân Bộ trưởng để Thủ tướng quyết định trên cơ sở pháp luật.
PV: Quy định trách nhiệm nêu gương có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là trong thời điểm Trung ương đang quy hoạch cán bộ vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ nhiệm kỳ này ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là nghị quyết Trung ương 4 chống thoái hóa, biến chất.
Trong khi đang thực hiện chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị thì quy định nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Đảng ban hành rất nhiều quy định có tính chất dài hơi, ngay cả quy hoạch cán bộ cấp chiến lược làm bài bản, chặt chẽ. Chống chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch được thực hiện rất nghiêm.
Quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cán bộ cấp chiến lược tạo ra sự tự giác và sự giám sát của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông./.