Hồi đầu tuần, Foxconn đã buộc phải tạm ngừng hoạt động ở Thâm Quyến sau khi số ca mắc Covid-19 gia tăng khiến cả thành phố này bị phong tỏa. Tuy nhiên, hôm 16/3, Foxconn cho biết họ có thể tiếp tục các hoạt động sản xuất trong khuôn viên nhà máy, nơi có cả khu nhà ở của người lao động và cả cơ sở sản xuất.
Nhà sản xuất iPhone lớn nhất thế giới cho biết họ đã tạo ra bong bóng để đảm bảo sản xuất an toàn. Mọi việc sẽ tuân thủ chính sách mà Chính quyền Thâm Quyến ban hành.
"Khi áp dụng quy trình quản lý khép kín trong khuôn viên nhà máy ở Thâm Quyến và đảm bảo các biện pháp y tế cần thiết cho người lao động trong bong bóng, một số hoạt động sản xuất có thể được khôi phục trở lại", người phát ngôn Foxconn cho biết.
Công ty cũng cho biết họ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách trong việc giám sát các hoạt động này.
Cơ sở sản xuất chính của Foxconn tại Thâm Quyến nằm ở Thị trấn Longhua và Guanlan. Tuy nhiên, công ty không nói rõ họ sẽ tiếp tục sản xuất loại sản phẩm nào.
Việc đóng cửa hồi đầu tuần, không lâu sau khi Apple công bố một loạt sản phẩm mới, bao gồm cả những mẫu iPhone giá rẻ được kỳ vọng sẽ bán chạy hơn tại châu Á, đã khiến nhiều fan Táo khuyết cảm thấy lo lắng. Việc mở cửa trở lại này có thể phần nào xoa xịu những nỗi lo ấy.
Foxconn sản xuất một số iPhone, iPad và Mac ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, gần 50% số iPhone được sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Hà Nam. Apple có thể tăng cường sản xuất tại Hà Nam để bù vào những thiếu hụt do các nhà máy ở Thâm Quyến để lại.
Các nhà phân tích của Apple cũng cho biết nhà sản xuất Foxconn có thể chuyển hoạt động sang các khu vực khác trong thời gian ngắn hạn để bù đắp lại những thiếu hụt. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp hoạt động sản xuất ở mức độ này và chỉ gián đoạn trong thời gian ngắn.
"Thời gian ngừng hoạt động kéo dài có thể gây ra hiệu ứng gợn sóng với các bộ phận khác của chuỗi cung ứng, gây ra sự thiếu hụt trong sản xuất các sản phẩm của Apple", các nhà phân tích cho biết.
Những gì mà Foxconn đang muốn tiến hành có vẻ tương đồng với việc duy trì sản xuất 3 tại chỗ ở Việt Nam khi đại dịch Covid-19 bùng lên một năm trước tại nhiều thành phố và các trung tâm công nghiệp. Tại một số địa phương, việc duy trì sản xuất, sinh hoạt ngay trong khuôn viên nhà máy đã giúp nhiều dây chuyền sản xuất không bị đình trệ khi đại dịch bùng lên.
Tuy nhiên, việc tiêm chủng trên diện rộng đã giúp Việt Nam có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với đại dịch Covid-19.
Trở lại với Trung Quốc, nền kinh tế đông dân nhất thế giới vẫn đang theo đuổi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt dù hàng tỷ mũi vắc xin đã được tiêm. Chỉ vài chục ca mắc cũng khiến Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa cả một thành phố nhiều triệu dân và buộc người dân phải đi xét nghiệm.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách phòng Covid-19 nghiêm ngặt đã khiến cả thế giới lo ngại nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, điều vốn đã rất tồi tệ do đại dịch, xung đột địa chính trị và nhiều vấn đề khác.