Thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2018 đạt gần 150 tỷ USD, ông Hồ Toả Cẩm nói và nhấn mạnh Việt Nam đã trở thành bạn hàng xếp trong top 10 và lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN về xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong 150 tỷ USD hàng hoá xuất nhập khẩu, doanh nghiệp hưởng lợi từ nông sản là rất ít. "Làm thế nào để xúc tiến hàng nông sản Việt Nam nhiều hơn sang Trung Quốc?", ông Cẩm bày tỏ và cho rằng phía Đại sứ quán rất mong đợi có thêm những diễn đàn liên quan đến vấn đề này.
Thống kê của Bộ Công thương Việt Nam cho biết trong năm 2018, Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỷ USD, gần 30% trong số đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, đất nước tỷ dân đã chi 100 tỷ USD cho hàng hoá. "Không ít hàng Việt Nam có ưu thế mà chưa được nhập khẩu", vị Tham tán nói và cho biết hai bên đang thúc đẩy để nhiều mặt hàng có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn này, ví dụ như với thịt lợn.
Ông Cẩm cũng tán đồng với ý kiến phía Việt Nam khi đặt trọng tâm vào khâu chế biến. "Chế biến còn quan trọng hơn, thể hiện toàn bộ giá trị", ông nhấn mạnh.
Để hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu thuận lợi nông sản, ông Cẩm đã đề ra một số cách thức. Thứ nhất, ông cho biết cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng thị trường quốc tế nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng bởi sự biến động của các nơi có tương quan lẫn nhau.
Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường chất lượng sản phẩm, từ giống, bao bì đến chất lượng chế biến.
Thứ ba, Tham tán Trung Quốc cho rằng Việt Nam cần phát huy vai trò của Chính phủ, Hiệp hội, doanh nghiệp lớn trong việc xây dựng mạng lưới xúc tiến sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản, cùng hợp tác với nhau. Điều này, theo ông Cẩm đã được áp dụng tại Trung Quốc và thành công.
Thứ tư, ông Cẩm cho rằng cần giải quyết các vướng mắc về đất đai, công nghệ cho các vùng sản xuất để doanh nghiệp, người dân phát triển theo hướng hiện đại, quy mô. "Các bên phải cùng nhau hợp tác", ông nhấn mạnh.