Alibaba và JD.com là hai gã khổng lồ thương mại điện tử thống trị ở Trung Quốc. Để miêu tả cuộc cạnh tranh gay gắt giữa JD.com và Alibaba, có lẽ "ghét nhau như chó với mèo" là phù hợp nhất. Một điều khá thú vị là linh vật của Tmall là mèo trong khi linh vật của JD.com là một chú chó.
Mô hình kinh doanh
JD.com là nhà bán lẻ B2C (kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng), sở hữu kho hàng và dịch vụ giao hàng riêng. Công ty mua trực tiếp sản phẩm từ thương hiệu lớn rồi phân phối lại cho khách hàng. Vì thế, họ kiểm soát 100% sản phẩm đầu vào.
Alibaba hiện có 3 mảng kinh doanh chính: nền tảng thương mại điện từ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp – Alibaba.com, nền tảng giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng – Tmall và nền tảng giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng – Taobao.com. Các nền tảng Taobao và Tmall tạo ra phần lớn doanh thu từ phí niêm yết hàng hóa và hoa hồng.
Trong năm tài chính 2021 kết thúc vào tháng 3, Alibaba tại ra 87% doanh thu và tất cả lợi nhuận từ đơn vị thương mại cốt lõi của mình, bao gồm Taobao, Tmall, cửa hàng truyền thống, thị trường quốc tế và công ty logistics Cainiao.
Dù kiếm được phần lớn tiền từ người bán bên thứ 3 nhưng Alibaba đang tăng cường sự phụ thuộc vào cửa hàng truyền thống, thị trường quốc tế vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn để tăng doanh thu. Các bộ phận bán lẻ ở Trung Quốc của Alibaba phục vụ 891 triệu người tiêu dùng nước này trong khi hệ sinh thái toàn cầu của công ty phục vụ hơn 1 tỷ khách hàng.
Phần còn lại của doanh thu đến từ 3 phân khúc chưa có lãi là Alibaba Cloud - nền tảng cơ sở hạ tầng đám mây lớn nhất Trung Quốc; bộ phận giải trí và truyền thông kỹ thuật số và game di động Lingxi.
Về phần mình, JD.com tạo ra 94% doanh thu và toàn bộ lợi nhuận từ mảng bán lẻ trong năm tài chính 2020 kết thúc vào tháng 12/2020. Công ty kết thúc quý I/2021 với 500 triệu khách hàng hoạt động hàng năm.
Mảng kinh doanh vẫn chưa có lãi của JD.com gồm JD Cloud và dịch vụ logistics cho khách hàng bên ngoài. Khoản lỗ hoạt động của JD.com chỉ tương đương 0,3% tổng doanh thu cả năm.
Công ty nào phát triển nhanh hơn?
Alibaba và JD.com đều tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt thời gian đại dịch bùng phát ở Trung Quốc đồng thời hưởng lợi từ việc mở rộng mạnh mẽ sang những thành phố nhỏ hơn.
Doanh thu của Alibaba tăng 41% lên 717,3 tỷ nhân dân tệ (109,5 tỷ USD) trong năm tài chính 2021. Thu nhập hoạt động giảm 2%, chủ yếu do tiền phạt chống độc quyền ở Trung Quốc.
Doanh thu của JD.com tăng 29% lên 745,8 tỷ nhân dân tệ (114,3 tỷ USD) trong năm tài chính 2020, trong khi thu nhập điều chỉnh tăng 57%. Không như Alibaba, đến nay, JD.com vẫn chưa phải đối mặt với nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Trung Quốc.
Do đó, một số chuyên gia nhận định rằng JD.com sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn Alibaba trong cả thương mại điện tử và mảng đám mây trong tương lai gần.
Những pha "cà khịa" và cướp khách trắng trợn
Để thu hút người bán, Alibaba đã làm nhiều cách để thuyết phục các thương hiệu lớn ký hợp đồng độc quyền bằng gói ưu đãi lớn. Đầu năm 2015, Alibaba thành công trong việc thuyết phục hãng thể thao Fjallraven của Thụy Điển bán hàng độc quyền trên Tmall. Đổi lại là lời hứa tăng lưu lượng truy cập cho cửa hàng. Trước đó, Fjallraven đã có mặt trên JD.com và một số trang web khác.
Tháng 4/2015, Jack Ma gửi lời giới thiệu riêng đến Tadashi Yanai – lãnh đạo Fast Retailing. Đây là công ty mẹ của Uniqlo và cũng là nhà sản xuất quần áo lớn bậc nhất châu Á.
Trước đó, Fast Retailing đã bán sản phẩm của Uniqlo trên JD.com, đem về doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, để "chèo kéo", Jack Ma nói với Yanai rằng nếu hợp tác lâu dài với Alibaba, lưu lượng truy cập và doanh số của Uniqlo sẽ còn cao hơn nữa.
Kết quả là chỉ 3 tháng sau, Uniqlo đã "nghỉ chơi" với JD.com với lý do "không phù hợp về chiến lược". Phía JD.com cho rằng nguyên nhân không chỉ đơn thuần như vậy nhưng Uniqlo chỉ đáp trả bằng sự im lặng.
Chỉ trong vài tháng của năm 2015, Alibaba đã đẩy nhanh quá trình ký hợp đồng với hàng trăm thương hiệu, trong đó có những tên tuổi lớn như chuỗi cửa hàng đồ thể thao Decathlon, nhà sản xuất quần áo Timberland.
Jack Ma từng nói rằng "JD.com rồi sẽ rơi vào thảm kịch" và sau đó phải xin lỗi vì phát ngôn ngày. Sau đó, chủ tịch thị trường bán lẻ của Alibaba "cà khịa" thêm: "Khi nào Alibaba làm gì, JD.com sẽ bắt chước ngay tức khắc". Ông ám chỉ việc các sáng kiến của Alibaba như xâm nhập thị trường nông thôn, nước ngoài, điện toán đám mây và thanh toán qua mạng đều bị JD.com "học hỏi".
Để đáp trả, văn phòng tại Bắc Kinh của JD.com ngay sau đó được trang trí với các biểu ngữ màu đỏ với khẩu hiệu: "Chiến đấu, chiến đấu đến cùng, quyết giành vị trí số 1".
Hàng giả là vấn nạn khiến Alibaba và nhiều nền tảng thương mại điện tử khác phải đau đầu nhưng có lẽ trừ JD.com. Họ khẳng định có thể đảm bảo hàng hóa được niêm yết trên nền tảng là thật và từng thoát khỏi án phạt bán hàng giả.
Nhà sáng lập của JD.com từng nói: "JD.com là trang mua sắm trực tuyến dành cho những ai coi trọng chất lượng và tính chân thực". Tuy ông không nhắc đến Alibaba nhưng ai cũng biết phát biểu này nhằm "đá xoáy" Alibaba.
Không lâu sau, JD.com cho biết một nhãn hiệu cao cấp của Ý đã chọn JD.com để mở cửa hàng chứ không phải Tmall vì JD.com có lời hứa bằng văn bản là cấm tuyệt đối mọi sản phẩm giả mạo.
Nguồn: WSJ, Investopedia