Ngân hàng của tỷ phú Hồ Hùng Anh vừa công bố tham vọng nâng vốn hóa lên 20 tỷ USD. Sự bứt phá của cổ phiếu Techcombank mang đến niềm tin cho nhiều nhà đầu tư.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) vừa công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong 2021 đạt 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với 2020. Dư nợ tín dụng tăng trưởng ít nhất 12% lên trên 356 nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, Techcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng có giá trị vốn hóa 20 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khoảng 20%, tỷ lệ thu nhập từ phí đạt 30% và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) là 55%.
Techcombank được biết đến là ngân hàng đi đầu trong việc hút một lượng tiền lớn từ doanh nghiệp và người dân nhờ khoản tiền gửi không kỳ hạn. Đây cũng là kênh mang đến sự bứt phá cho ngân hàng này dưới sự hỗ trợ của công nghệ và các dịch vụ đi kèm.
Trong những năm qua Techcombank thành công lớn khi tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập cao, thanh toán, quản lý tài sản và nhất là cho vay BĐS. Sắp tới, NH sẽ phải đa dạng hoá nguồn thu, tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai như cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và hướng tới cho vay tiêu dùng qua đối tác. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đang mở rộng tệp khách hàng khác như điện lực, viễn thông, năng lượng, tiêu dùng… để phát triển tín dụng đa dạng và không bị phụ thuộc vào một lĩnh vực nào.
Ông Hồ Hùng Anh. |
Trước nhiều câu hỏi về cho vay BĐS, Techcombank cho rằng, NH đặt lĩnh vực bất động sản là trọng tâm cho vay vì nhóm người thu nhập cao ở Việt Nam có nhu cầu lớn về nhà ở và nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Vấn đề là kiểm soát tín dụng cho vay ra.
Hiện nay, việc kiểm soát rủi ro cho vay bất động sản được tập trung khi hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao lên tới 17% (tiêu chuẩn tối thiểu theo Basel II là 8%). Toàn bộ khoản vay BĐS đều được đánh giá hệ số rủi ro rất cao, lên tới 200-250%.
Trong năm 2020, Techcombank đã đạt mức vốn hóa 5 tỷ USD và hiện tại đã lên tới 6 tỷ USD. Mục tiêu của ngân hàng là đạt vốn hóa 20 tỷ USD trong năm 2025. Theo đại diện Techcombank, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt đợc nếu ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 23-25% hàng năm trong 5 năm tới.
Về lợi nhuận, kế hoạch gần 20 nghìn tỷ đồng là khá tham vọng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 25% cũng là điều mà ngân hàng này đã làm được nhiều năm qua.
Nếu thành công, Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh là ngân hàng tiếp theo và là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên có thể chạm ngưỡng lợi nhuận tỷ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Trước đó, Vietcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên đạt mốc này. Còn Techcombank sẽ là ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên đạt được mốc này.
Mặc dù lợi nhuận đạt mức cao trong năm 2020, Techcombank tiếp tục trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức cho dù tính tới cuối 2020 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã lên tới hơn 26,7 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11% (ước đạt 25.585 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 25.000 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm hơn 9 điểm về dưới ngưỡng 1.240 điểm.
Theo BSC, với dòng tiền nội và ngoại trở lại thị trường tại ngưỡng 1.220 điểm, VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.260 điểm vào tuần mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số VN-Index tăng 20,71 điểm lên 1.248,53 điểm; HNX-Index giảm 3,4 điểm xuống 283,634 điểm. Upcom-Index tăng 0,65 điểm lên 80,4 điểm. Thanh khoản đạt 23,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà