Từ xây dựng trung tâm mua sắm lớn nhất ở Hồng Kông đến khu liên hợp thể thao khổng lồ trị giá 3,9 tỷ USD, Adrian Cheng hiện là một trong những nhà đầu tư bất động sản hoạt động sôi nổi nhất ở thành phố này. Chiến lược mở rộng đắt đỏ của anh được coi là một "bài kiểm tra" dành cho đế chế bất động sản thuộc hàng lâu đời nhất Hồng Kông.
Năm nay 40 tuổi, Cheng trở thành CEO của New World Development từ tháng 5, sau khi thừa kế cơ nghiệp gia đình từ người cha Henry từ cách đây vài năm. Tuy nhiên kể từ khi lên nắm quyền, Cheng đã triển khai một loạt dự án đầy tham vọng với tổng giá trị lên đến 5 tỷ USD. Nhận định các nhà đầu tư từ đại lục sẽ tiếp tục đổ tới Hồng Kông, giờ đây New World trở thành công ty đứng sau các dự án lớn nhất của thành phố trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bất ổn chính trị khiến nền kinh tế lao đao.
Có rất ít gia tộc gắn liền với kinh tế Hồng Kông như nhà Cheng. New World đã xây dựng và vận hành trung tâm hội nghị nơi Hoàng tử Charles trao trả thành phố cho Trung Quốc năm 1997. Gia tộc này cũng kiểm soát tập đoàn kinh doanh trang sức nổi tiếng Chow Tai Fook với các cửa hàng trên khắp thành phố.
Không giống như tỷ phú giàu nhất Hồng Kông Li Ka-shing, người đã giảm dần các khoản đầu tư ở thành phố trong thập kỷ vừa qua, New World vẫn có khoảng 2/3 trong số 76,8 tỷ HKD (tương đương 9,9 tỷ USD) doanh thu hàng năm đến từ Hồng Kông. Và những dự án khổng lồ đang được triển khai sẽ khiến con số tăng lên trong tương lai.
Tốt nghiệp Harvard và từng làm việc cho Goldman Sachs, Cheng cũng đang cố gắng mở rộng ra bên ngoài Hồng Kông. Địa điểm mà anh nhắm tới là Quảng Đông, nơi chính phủ Trung Quốc đang quảng cáo tầm nhìn về "vùng Vịnh rộng lớn" tích hợp Quảng Đông với Thâm Quyến, Quảng Châu và các đô thị khác trong vùng Đồng bằng Châu Giang.
Tuy nhiên, những dự án đầy tham vọng cũng khiến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của New World lên tới 42% - cao nhất trong số các tập đoàn bất động sản ở Hồng Kông. Những cú đặt cược của New World cần phải đem lại thành quả, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt quy định về những lựa chọn đầu tư của các tỷ phú Hồng Kông.
Để tài trợ cho chiến lược ở Trung Quốc, Cheng đang tăng cường vay mượn và bán tài sản. Những thách thức mà anh phải đối mặt cũng là thách thức chung dành cho thế hệ các ông trùm tiếp theo ở Hồng Kông – từ con trai của Li Ka-shing và người thừa kế Victor Li cho đến anh em nhà Lee, những người đang điều hành đế chế bất động sản Henderson Land Developement. Căng thẳng địa chính trị đang khiến môi trường kinh doanh ở Hồng Kông thay đổi rất nhiều so với khi những người cha xây dựng cơ nghiệp.
Vì chủ yếu đặt cược vào Hồng Kông, những dự án đắt đỏ nhất của New World lại chín muồi vào đúng lúc những bất ổn về địa chính trị đặt ra 1 dấu hỏi rất lớn cho tương lai thành phố. Năm 2018, khi đó đang là Phó Chủ tịch điều hành, Cheng đã trúng thầu xây dựng và vận hành khu liên hợp thể thao rộng 28 hecta ở gần khu sân bay cũ. Dự án bao gồm 1 sân vận động 50.000 ghế và 1 nhà thi đấu 10.000 ghế, dự tính hoàn thành vào năm 2023. Mặc dù chính quyền địa phương có tài trợ khoảng 30 tỷ HKD, New World sẽ phải chi toàn bộ chi phí vận hành trong tương lai và chia cho chính quyền 3% doanh thu của khu phức hợp.
Cheng cũng là người giúp New World thắng thầu dự án khu phức hợp mua sắm và giải trí trị giá 20 tỷ HKD vào tháng 5/2018. Dự án Skycity rộng 3,77 triệu foot vuông, dự kiến mở cửa theo nhiều giai đoạn từ năm 2023 đến 2027, sẽ bao gồm trung tâm mua sắm lớn nhất ở Hồng Kông. Tuy nhiên doanh số bán lẻ của Hồng Kông đang tiếp tục lao dốc không phanh và khách du lịch thì gần như không có do dịch bệnh.
Là người bảo trợ cho nhiều bảo tàng nghệ thuật ở New York, London và Paris, Cheng cũng đứng sau dự án cải tạo khu tòa nhà cổ trong khu vực Kowloon thành Victoria Dockside, dự án khu văn phòng và nhà ở thương mại trị giá 2,6 tỷ USD và có cả 1 trung tâm văn hóa nghệ thuật.
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6 vừa qua, doanh thu ròng đã điều chỉnh của New World được dự báo sụt giảm 12% so với 2019, xuống còn 7,9 tỷ HKD, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Hồng Kông thời Adrian Cheng quá khác so với thành phố đang bùng nổ mà ông nội của anh, Cheng Yu-tung đã chọn làm nơi khởi nghiệp. Ông Cheng từng học việc tại 1 cửa hàng vàng ở Macau của Chow Chi Yeun - nhà sáng lập chuỗi trang sức Chow Tai Fook. Sau đó ông kết hôn với con gái của ông Chow và cuối cùng đã sử dụng lợi nhuận thu được từ bán vàng để bước chân vào thị trường bất động sản, thành lập New World năm 1970. Hiện nay, người con trai Henry Cheng vẫn là Chủ tịch của tập đoàn và là tỷ phú giàu thứ hai Hồng Kông với tài sản 20 tỷ USD.
Nhiều năm nay nhà Cheng vẫn nỗ lực vươn ra thị trường bên ngoài Hồng Kông nhưng đạt được những thành quả trái chiều. Sự hợp tác với Tổng thống Trump để xây dựng khu Riverside South tại bờ Tây Manhattan đã thất bại. Nhà Cheng cũng mua 1 công ty cho thuê máy bay ở Ireland, 1 công ty công ích ở Australia và 1 resort ở Bahamas.
Bối cảnh hiện nay khiến nỗ lực mở rộng hoạt động ở đại lục của Adrian Cheng ngày càng khó khăn. Luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp dụng đầu năm nay khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây dâng cao. Các nước như Mỹ, Anh và Australia cũng kiểm soát chặt hơn các thương vụ có sự tham gia của những công ty có liên quan đến Trung Quốc. Henry Cheng là một trong vài tỷ phú Hồng Kông ủng hộ luật an minh mới.
Năm 2020, New World đã bán 1,45 tỷ USD trái phiếu, trong khi trong cùng kỳ tổng cộng các tập đoàn bất động sản lớn khác ở Hồng Kông chỉ huy động 2,2 tỷ USD. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu New World đã giảm 13% trong khi chỉ số Hang Seng Properties Index mất 22%.
Tham khảo Bloomberg