Với kinh nghiệm đầu tư và xây dựng các startup vang danh khu vực châu Á (Lines, Grab, Jita,…), Quỹ đầu tư KVision sẽ giúp hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam có thêm nhiều ‘kỳ lân’ bùng nổ. KVision là quỹ đầu tư khởi nghiệp thuộc tập đoàn tài chính hàng đầu Thái Lan KasikornBank Group (KBank Group). Tập đoàn sở hữu KBank - ngân hàng lớn thứ 2 (dựa trên tổng tài sản), đi đầu về công nghệ tài chính xứ sở Chùa Vàng.
CEO KVision Việt Nam Giang Trần Minh Thành đã chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch hoạt động của quỹ KVision tại Việt Nam thời gian tới.
Tiêu chí của anh khi tìm và lựa chọn startup để đầu tư là gì?
Giang Trần Minh Thành: Tôi có hai tiêu chí khi đầu tư.
Trước hết, quan trọng nhất là con người hay còn gọi là đội ngũ khởi nghiệp. Họ buộc có sự gắn kết lâu dài với doanh nghiệp và phải có tầm nhìn dài hạn trong vòng 5 đến 10 năm. Những con người đó phải đa nhiệm, trong cùng hệ thống vừa có người phụ trách mảng kinh doanh, mảng tài chính, vừa có người làm về công nghệ, phát triển sản phẩm,… họ phải dung hòa và phối hợp rất nhịp nhàng.
Tiếp đó, tôi đặt ra yêu cầu về công nghệ, xem xét công nghệ của họ có thể lấp đầy những ‘hố đen’ trên thị trường hay không và chọn một thị trường đủ rộng, đủ phát triển để rót vốn bởi quy mô của quỹ khá lớn. Chúng tôi đã từng hợp tác và đầu tư vào những startup lớn ở châu Á như Grab, Lines,... tất cả đều lên đến quy mô tỷ đô. Vậy nên, chúng tôi luôn mong muốn và tin mình đủ khả năng đưa những công ty mình đầu tư vào đội hình ‘kỳ lân’.
Nói như vậy có nghĩa là đối tượng trong tầm ngắm của Kvision khá lớn, khoảng chục triệu USD trở lên, thế còn những mô hình nhỏ hơn liệu có tiếp cận được với quỹ?
Hoàn toàn có thể. Việc đầu tư bắt đầu từ con số tối thiểu là 500 ngàn USD và có thể lên đến 5-10 triệu USD, thậm chí là cao hơn nữa. Phạm vi tiếp cận các startup của Kvision khá đa dạng và tùy giá trị mà chúng tôi có các chiến lược lâu dài với doanh nghiệp.
Hiện tại có hai sự khác biệt so với những nhà đầu tư khác ở thị trường khởi nghiệp Việt Nam mà tôi tâm đắc. Thứ nhất, KVision là investment holding với định hướng chính là về mảng ngân hàng, họ sở hữu ngân hàng lớn thứ 2 của Thái Lan là KBank. Khác biệt ở chỗ, tổ chức ngân hàng lớn vốn là đơn vị rất sợ rủi ro về những lĩnh vực mà mình không nắm vững. Giống như Vietcombank, KBank có quy mô như vậy nhưng lại có thể đầu tư vào khởi nghiệp, một lĩnh vực đầy tính may rủi. Đồng thời, họ đầu tư vào công nghệ để có thể thay đổi tương lai cuộc sống. Sự đột phá đó được cam kết với giá trị 450 triệu USD.
Thứ hai, chúng tôi không chỉ đơn thuần đầu tư vốn mà còn đóng vai trò là nhà đầu tư chiến lược. Dù cho đó là đầu tư quy mô nhỏ 500 ngàn USD, hay quy mô lớn vài chục triệu USD thì đều có cam kết mang đến các chiến lược lâu dài. Cụ thể là chúng tôi luôn muốn tối ưu hoá toàn bộ các thế mạnh về sản phẩm tài chính, các sản phẩm của Kasikorn Group nhằm tạo ra các mô hình hợp tác chiến lược toàn diện với các startups nhận đầu từ, để từ đó đưa startup Việt Nam vươn tầm địa cầu với sự phân bổ rất nhiều chi nhánh ở châu Á.
Vậy thì tỉ trọng giải ngân vào Việt Nam là bao nhiêu trong số 450 triệu USD mà quỹ cam kết đầu tư cho nhiều quốc gia?
Kvision tập trung đầu vào Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Việt Nam trở thành thị trường đầu tư trọng điểm nhất đinh hướng của quỹ trong 5 năm tiếp theo. Tỉ trọng chắc chắn sẽ là con số khả quan đáng kỳ vọng.
Có một xu hướng bây giờ là các doanh nghiệp không mở rộng đầu tư được và họ mang hết tiền lên sàn chứng khoán để kiếm lớn. Từ góc độ một người làm doanh nghiệp và đầu tư vào các startup, anh quan niệm như thế nào về điều này?
Vừa rồi có rất nhiều công ty lớn về sản xuất không tạo ra doanh thu do Covid làm đóng cửa nhà máy, nhưng tất cả doanh thu trong quý vừa rồi của họ lại đến từ thị trường chứng khoán. Tôi đánh giá đó là khoản lợi nhuận không bền vững và sẽ không tốt cho doanh nghiệp trong đường dài.
Những bài toán đó chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Thời điểm tới, chắc chắn Việt Nam có thể tiến hành mở cửa hoàn toàn và phục hồi sản xuất. Khi đó, dòng tiền và lợi nhuận đến từ các khoản kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp mới là sự bền vững và dài hạn.
KVision hiện đang tìm cơ hội đầu tư vào blockchain, NFT cũng như các Defi tại Việt Nam. Dù khá tin tưởng blockchain, song để đầu tư thì phải là những startup có tầm nhìn dài hạn trong vòng 5-10 năm tới, chứ không phải chỉ sinh ra sản phẩm rồi tạo ra đồng coin một cách ngắn hạn. Tôi không đầu tư vào những thứ đó. Đơn cử về tầm nhìn dài hạn hiện nay có Axie Infinity, tôi rất hoan nghênh và có cảm hứng đầu tư vào những startup như vậy.
Đề cập đến Axie Infinity, lại có một trào lưu nổi lên là ứng dụng blockchain vào sản xuất game, người chơi bỏ tiền thật ra mua tiền ảo chơi rồi cày game, cày đồng. Anh nghĩ xu hướng đấy có bền vững trong tương lai không khi mà khá nhiều các quỹ VC mới nổi ở Việt Nam đổ xô đầu tư vào các blockchain game đấy?
Trong vòng 2-3 năm tới, game blockchain, tiêu biểu là Axie Infinity, hoặc mới đây nhất là Sipher có thể sẽ rất phát triển. Bởi nó tạo ra nguồn thu nhập thật sự và sản sinh giá trị cộng hưởng cho cộng đồng, dòng tiền đến từ coin và bán coin, crypto trên những sàn như Binance.
KVision tin rằng việc đầu tư cho những startup có cam kết dài hạn và triển vọng về thành phẩm sẽ là xu hướng hiệu quả và bền vững. Những tập đoàn như Facebook, Microsoft hay Ndivia đang phát triển digital world và dần biến thành xu hướng chiếm lĩnh thị trường. Sự cộng hưởng giữa digital world và real world để tạo ra những thành tựu như metaverse sẽ là xu thế không thể tránh khỏi.
Hiện tại với blockchain, tôi nghĩ mảng công nghệ không có gì đáng lo bởi Việt Nam sở hữu khá nhiều gương mặt xuất chúng. Nhưng phần cứng lại có hai vấn đề cần thời gian thì mới đưa digital world phủ sóng toàn cầu được.
Những nền tảng digital world này phải vận hành bởi công nghệ 5G vì 4G hiện nay. Ngoài ra virtual glass - kính thực tế ảo có kích thước còn khá lớn khiến người dùng không thoải mái. Chúng ta có thể hi vọng trong 2-3 năm tới, những virtual glass này sẽ trình làng những chiếc kính có kích thước nhỏ gọn giúp phổ biến xu hướng digital world mọi nơi.
Một thống kê chỉ ra việc đầu tư vào startup phải đến 80-90% là thất bại. Thực ra trong 2 năm vừa rồi startup đóng cửa cũng nhiều, kể cả những cái tên đình đám. Bản thân anh và KVision làm thế nào để giảm tối thiểu việc đầu tư sai, rót vốn nhầm và rót vốn xong thì startup khai tử?
Câu chuyện này sẽ có hai khía cạnh. Thứ nhất, quỹ chúng tôi chọn rất chi tiết và cẩn thận khoản đầu tư này. Tôi tính toán rất nhiều phương án đánh giá để hiểu tính cách của thủ lĩnh startup. Thứ hai, đánh giá ở đây bao gồm cả tài chính, dữ liệu, cảm xúc,…Có cái nhìn tổng quan về founder rồi sẽ cảm nhận được đội ngũ đó có đủ khả năng và đủ cam kết lâu dài với doanh nghiệp hay không.
Tôi công nhận việc nhiều startup chìm trong thời điểm đại dịch là một thực tế đáng buồn. Tuy nhiên, lợi thế khi được nhận vào quỹ của chúng tôi là startup không chỉ được nhận đầu tư đơn thuần về tài chính mà đều sẽ gắn bó bằng các chiến lược lâu dài. Hiện tại, Kvision đang trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau đại dịch trên các nền tảng đã đầu tư như Sendo, KiotViet và Seedcom. KBank đã mở chi nhánh tại Việt Nam tháng 11/2021, phục vụ quá trình này diễn ra thuận tiện nhất.
Chúng tôi liên kết API với nền tảng và tham gia đánh giá tín dụng credit scoring trên dữ liệu quá khứ như doanh thu, lợi nhuận, review để sàng lọc đối tượng uy tín nhất khi cho vay, sau đó hỗ trợ merchant lending với lãi suất rất tốt.
Nhìn chung, chúng tôi luôn đóng góp với vai trò là nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hợp tác lâu dài nhằm tạo ra giá trị lớn chứ không chỉ đầu tư tài chính. Đó là lí do mà những startup được chọn đầu tư có cơ hội sống sót và tăng trưởng nhiều hơn với quy mô ngoài lãnh thổ.
5 tháng trời cả TP. HCM phong tỏa, quỹ đầu tư của anh vận hành như thế nào khi mà hoạt động kinh doanh gần như đóng băng?
Thực ra trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư thì phong cách làm việc khá là linh động. Tôi vốn đã quen với làm việc online bởi trước đây trong trạng thái bình thường, KVision Việt Nam có khoảng 10 người nhưng chỉ có 2 là ngồi tại Việt Nam, còn lại ngồi ở Thái Lan và các văn phòng khác trên thế giới. Thời điểm giãn cách, chúng tôi vẫn duy trì được hệ thống bằng cách đó.
Một thành tựu lớn của chúng tôi trong thời điểm khủng hoảng là việc deal KiotViet thành công. Deal này kéo dài trong vòng 6 tháng và vừa đóng vào tháng 10/2021. KVision góp mặt ở vòng Series B với 40 triệu USD cùng một quỹ đầu tư của Singapore và Hàn Quốc.
May mắn là những công ty như KiotViet đều là những nền tảng về công nghệ nên dữ liệu, thủ tục về đầu tư như thẩm định dự án và làm định giá đều đã được chuẩn hóa và số hóa trên nền tảng online từ sớm. Việc chia sẻ dữ liệu trên các data room thông qua email, Zoom, MS Teams đều giúp chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều trong thời điểm Covid.
Có một điểm khá vui là những công ty công nghệ lại làm việc nhiều hơn cả khi trước Covid. Trước đó tôi họp một ngày 8 cuộc, nhưng phong tỏa thì có thể tăng lên đến 10-12 cuộc, năng suất làm việc tăng do không tốn thời gian di chuyển giữa các địa điểm.
Anh thấy sao về quan điểm: một trong những nguyên nhân làm giới hạn vốn là do các nhà đầu tư không bay vào Việt Nam được nên đành om các khoản đầu tư lớn?
Xét về kêu gọi đầu tư thì quan điểm đó rất chính xác. Đặc biệt là một số lĩnh vực như năng lượng, bất động sản, họ phải trực tiếp khảo sát dự án mới có thể giải ngân được.
Cho nên, việc tôi đại diện quỹ KVision ở Việt Nam đã rút ngắn quy trình này xuống, tôi có tiếng nói để đứng ra đảm bảo cho các startup được giải ngân và đầu tư. Mục tiêu của tôi là đưa 2-3 startup Việt vươn tầm châu lục để sánh cùng thị trường ‘kỳ lân’ thế giới trong vòng 5-10 năm tới.