Thế giới di động là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với 3 lĩnh vực chính gồm điện thoại (Thế Giới Di Động), điện máy (Điện Máy Xanh) và hàng tiêu dùng (Bách Hóa Xanh). Trong khi mảng kinh doanh điện thoại đã bão hòa, mảng điện máy được dự báo cũng sớm bão hòa trong vài năm tới thì Bách Hóa Xanh đang được đầu tư mạnh và hứa hẹn là động lực tăng trưởng chính của Thế giới di động.
Việc tập trung vào ngành hàng tiêu dùng, thông qua chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế giới di động là ý tưởng khá tốt trong bối cảnh quy mô thị trường này là rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, thị trường bách hóa của Việt Nam có giá trị khoảng 60 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng tương đương GDP. Thị trường bách hóa cũng rất manh mún, với các kênh bán lẻ hiện tại chiếm khoảng 5% tổng thị phần, trong khi các kênh bán hàng truyền thống như chợ truyền thống, chiếm khoảng 95% thị trường.
Với mức GDP trên đầu người hiện tại cùng với những đặc trưng về dân số tại khu vực đô thị của Việt Nam, các kênh bán lẻ hiện đại hoàn toàn có thể nhanh chóng mở rộng và gia tăng thị phần.
Tính tới cuối tháng 2/2019, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 423 cửa hàng với doanh thu trung bình mỗi ngày hoạt động trong tháng 2 (không bao gồm ngày nghỉ dịp Tết Nguyên Đán) của toàn chuỗi là khoảng 40 triệu đồng/cửa hàng/ngày.
Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Trần Kinh Doanh – Thành viên HĐQT Thế giới di động cho biết tính đến cuối năm 2018, Bách Hóa Xanh đã ngấp nghé đạt được hòa vốn dưới mức độ từng shop, nhưng tính cả kho trung tâm thì chưa có lời. Mục tiêu trễ nhất đến cuối tháng 12 năm nay Bách Hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, bù đắp được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và trung tâm phân phối nhưng chưa bao gồm chi phí ở cấp độ công ty.
Để làm được điều này, Bách Hóa Xanh đã thay đổi cấu trúc, vị trí cửa hàng, đóng cửa các mô hình cũ không đủ điều kiện chuyển đổi lên mô hình chuẩn. Bách hóa xanh đã có khoảng 70 mặt bằng được ký để chuẩn bị mở cửa hàng mới trong tháng 3 và 4 năm 2019.
Những thách thức chờ đợi Bách Hóa Xanh
Theo đánh giá của một CTCK, mặc dù Bách Hóa Xanh bước đầu đang mang lại những kết quả tích cực như hệ thống cửa hàng mở rộng, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhưng vẫn có nhiều thách thức chờ đợi.
Đầu tiên là việc mở rộng tại TP.HCM sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với ban đầu. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng mạnh mẽ từ nhiều đối thủ, tiêu biểu như Saigon Coop, đơn vị bán lẻ bách hóa kinh nghiệm và thương hiệu được nhận diện rộng rãi đã mở nhiều cửa hàng Coop Food với mô hình tương tự, danh mục hàng hóa tương tự, tại các vị trí tương tự Bách Hóa Xanh với chất lượng dịch vụ tương đương. Giá thuê cửa hàng và chi phí nhân công tăng cũng là những vấn đề mà Bách Hóa Xanh phải đối mặt trong quá trình mở rộng hệ thống cửa hàng tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc mở rộng tại các tỉnh khác thậm chí còn khó khăn hơn. Trước hết, chiến lược giá với tiêu chí "rẻ hơn chợ truyền thống" của Bách Hóa Xanh có thể sẽ không áp dụng được ở các tỉnh là khu vực sản xuất nông sản chủ chốt như trái cây, rau củ, hải sản, thịt lợn, thịt gà và trứng do phải mua từ trung gian trong khi đó người nông dân có thể trực tiếp mang nông phẩm đến chợ để bán. Không có ưu thế cạnh tranh về giá sẽ khó để các cửa hàng Bách Hóa Xanh thu hút người tiêu dùng đến mua hàng thường xuyên.
Tiếp đến là khó khăn trong công tác hậu cần. Tại các tỉnh khác, các khu vực dân cư đông đúc không nằm liền kề. Do đó, khoảng cách bình quân giữa trung tâm phân phối của Bách Hóa Xanh đến các cửa hàng có thể lớn hơn gấp 3-5 lần so với ở TP.HCM, cụ thể khoảng cách có thể lên tới 20-30 km tại các tỉnh khác so với chỉ 6-7 km tại TPHCM. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối hệ thống hậu cần của Bách Hóa Xanh, không chỉ về chi phí vận chuyển mà còn về nhân lực, công suất dự trữ, số lượng tồn kho và thời gian vận chuyển.
Khi đó Bách Hóa Xanh sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc là có trung tâm phân phối để đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho các cửa hàng theo đúng yêu cầu và đúng thời điểm, và trung tâm này khó đạt được hiệu quả hoạt động tối ưu. Hoặc là không xây dựng trung tâm phân phối mà phụ thuộc vào các đơn vị phân phối cho cung cấp hàng hóa đến cửa hàng, từ đó tiết kiệm chi phí nhưng đánh đổi là khó đảm bảo thời gian giao hàng.