Các “bệ đỡ” về cơ chế chính sách như việc cải thiện về quy trình thủ tục pháp lý, chương trình nhà ở quốc gia, lãi suất thấp...Cùng với đó chính sách mở cửa du lịch khi dịch bệnh dần được kiểm soát sẽ là động lực mạnh mẽ cho thị trường BĐS.
"Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2023 đang dần hoàn thiện. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược với việc đầu tư công được thúc đẩy mạnh và đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường giai đoạn tới", Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết.
Cũng có cái nhìn khá khả quan về thị trường BĐS trong năm 2022, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội phân tích khi kinh tế mở cửa trở lại và bắt đầu đà phục hồi, bất động sản cũng có nhiều khả năng phát triển. Song song với đó, bất động sản thế giới cũng đang có sự phục hồi nhanh, đây cũng là yếu tố có thể giúp thị trường.
Trước những triển vọng khả quan về tình hình vĩ mô lẫn thị trường bất động sản, năm 2022 được xem là năm bứt phá tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn. Tập đoàn Sunshine Group mới đây cho biết năm 2022 sẽ là năm bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp này khi rầm rộ tấn công các thị trường mới như Thanh Hóa, Phan Thiết, Phú Yên, Đà Nẵng. Sau phân khúc nhà ở, tập đoàn này sẽ dồn lực vào BĐS nghỉ dưỡng đón đầu sự tăng trưởng trở lại của thị trường.
Cũng tập trung bào BĐS nghỉ dưỡng, Novaland trước đây vốn nổi danh với hàng loạt thương vụ M&A hiện cũng đã đặt kế hoạch thâu tóm hàng trăm ha đất tại Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Phan Thiết…để phát triển khu đô thị và bất động sản du lịch trong năm 2022.
Một tên tuổi khác là Tập đoàn FLC cũng cho hay đang nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý trên 40 tỉnh thành cả nước, với nhiều thị trường trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Bình Định, Quảng Bình, Tây Nguyên…Kế hoạch 2022, doanh nghiệp sẽ triển khai ước tính trên 30 dự án thuộc hai phân khúc chiến lược là bất động nghỉ dưỡng và đô thị (bao gồm dự án đã ra mắt thị trường và dự án khởi công mới – không bao gồm các dự án đang xúc tiến đầu tư).
Một số dự án trọng điểm là FLC Premier Parc (Hà Nội); Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì, thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Khu đô thị, du lịch sinh thái ven Sông Mã (Thanh Hóa); Khu đô thị mới Ninh Dương - Móng Cái (Quảng Ninh); Quần thể FLC Quảng Bình giai đoạn 3 (Quảng Bình); Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái FLC Gia Lai (Gia Lai); các dự án đô thị tại Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long…
Các doanh nghiệp BĐS tăng tốc mở rộng quỹ đất ở các thị trường mới trong năm 2022.
Tập đoàn Nam Long cũng cho biết đã cơ bản tái cấu trúc công ty thành 3 đơn vị kinh doanh gồm đơn vị phát triển quỹ đất, đơn vị phát triển nhà ở và khu đô thị và đơn vị đầu tư mạo hiểm. Sau khi bắt tay hợp tác cùng Hankyu Realty – Nhật Bản phát triển khu đô thị Izumi 170 hecta, hợp tác cùng Nishitetsu phát triển khu đô thị Nam Long – Đại Phước 45hecta, Tập đoàn cũng đã mua thêm quỹ đất mới Nam Long – An Đồng- PG Hải Phòng để mở rộng phát triển ra phía Bắc.
Có thể thấy, năm 2022 được cho là năm bứt phá của nhiều doanh nghiệp BĐS. Đặc biệt phân khúc BĐS nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp tập trung phát triển nhiều hơn cả. Theo đánh gia của JLL, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A.
"Lý do quan trọng là các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn", báo cáo của JLL cho biết.
Cũng theo JLL, hiện có những tập đoàn bất động sản trong nước đang có được đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang rất "khát" đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành.