Ngành nhựa Việt Nam đang chịu sức ép bị mua bán, sáp nhập của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan.
Tập đoàn SCG của Thái Lan vừa công bố mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần và các chi tiết cụ thể sẽ được công bố giữa năm 2021.
Thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (334 triệu USD) của SCG, nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa.
Trong thông báo, Giám đốc điều hành SCGP Wichan Jitpukdee cho biết, công ty này đã và đang không ngừng gia tăng đầu tư vào Việt Nam và điều này mang lại mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% mỗi năm.
Duy Tân là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, với khách hàng chính là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp FMCG nội địa. 80% sản phẩm của Duy Tân được bán tại Việt Nam, 20% xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
Năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ baht), với tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng (6,5 tỷ baht). Công suất hàng năm của doanh nghiệp này là 116.000 tấn bao bì nhựa cứng và các sản phẩm nhựa gia dụng.
Vì thế, khoản đầu tư vào Duy Tân sẽ giúp SCGP mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn ASEAN, đồng thời củng cố năng lực của công ty trong việc phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trước thương vụ trên, SCG đã thông qua một công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., lần lượt tiến hành mua 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).
Vào năm 2015, SCG tiếp tục mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD).
Người Thái đã thâu tóm Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng |
Trong một lần trao đổi trên báo chí, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam đánh giá, Thái Lan với các bước chuẩn bị thâm nhập thị trường nhựa Việt Nam bài bản, hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Chẳng hạn các sản phẩm nhựa của doanh nghiệp Thái được ưu tiên phân phối chính thức tại các trung tâm bán buôn của Metro trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Theo báo cáo ngành nhựa của Công ty CP Chứng khoán FPT - FPTS được phát hành hồi tháng 9/2019, ngành nhựa Việt Nam là một trong các ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh so với nền kinh tế nói chung. Trong giai đoạn từ 2012-2017, ngành nhựa Việt Nam tăng trưởng trung bình 11,6% một năm, nhanh hơn so với mức tăng trưởng 3,9% của ngành nhựa thế giới và nhanh hơn so với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,2% của Việt Nam trong cùng giai đoạn.
Quy mô ngành nhựa năm 2017 ước đạt 15 tỷ USD, tương đương với khoảng 6,7% GDP của Việt Nam năm 2017. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là hai mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản phẩm của ngành nhựa Việt Nam hiện đang có mặt tại hơn 160 quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, theo ước tính của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2020 doanh thu của ngành nhựa vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 10,9% so với năm 2019, tổng doanh thu khoảng 22,18 tỷ USD. Ngành nhựa vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, đạt 3,654 tỷ USD, dù mức tăng 6,3% chỉ bằng một nửa so với năm 2019.
Sức hấp dẫn từ thị trường nhựa Việt Nam không chỉ có vậy. Trong lần trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, sự đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp ngoại, nhất là Thái Lan, vào ngành nhựa Việt Nam, là nhằm tận dụng các ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế và giá nguyên vật liệu; năng lượng, nhân công giá rẻ để tiết kiệm chi phí nhằm đạt được mức giá tốt nhất. Việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do cũng đem lại lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp ngoại.
“Với việc đổ vốn mạnh mẽ vào ngành nhựa, các doanh nghiệp ngoại còn tận dụng chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra mà họ đã kỳ công xây dựng tại Việt Nam. Ví dụ, người Thái đã đầu tư nhà máy hạt nhựa, có sẵn hệ thống nhà máy sản xuất và một mạng lưới phân phối rộng khắp từ các thương vụ mua bán, sáp nhập các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam”, ông Hiển nhìn nhận.
Sức ép này rõ ràng là rất lớn với công ty nhựa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp nhựa nội luôn trong tình trạng thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao.
Lãnh đạo Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định, sự khó khăn của các công ty nhựa Việt còn đến từ việc phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Ngành nhựa luôn có chi phí hoạt động cho sản xuất kinh doanh tương đối cao dẫn đến chi phí giá vốn hàng bán cao. Do vậy chỉ cần các yếu tố khách quan như tỷ giá, lãi vay, chính sách thuế nhập khẩu thay đổi đột ngột là lợi nhuận thuần ngay lập tức bị tổn thương.
(Theo Đất Việt)