Chàng trai này còn được bà con trong xã gọi dí dỏm là nhà sáng chế với các ý tưởng hay, cải tiến máy móc mang lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất.
Chúng tôi đến thăm gia đình Hoàng Minh Đức trong một buổi chiều cuối tháng 3, trước ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp, trong cái nắng đầu mùa hạ hơi gắt, anh Đức đang lúi húi hàn nốt bộ khung để hoàn thiện 3 chiếc máy giã bánh cho 3 khách hàng ở Hữu Lũng, Cao Lộc và Quảng Ninh.
Anh Hoàng Minh Đức đang tất bật hoàn thiện khung cho chiếc máy mà khách hàng ở Quảng Ninh đặt làm.
Với đôi tay thoăn thoắt, Đức vừa làm vừa trò chuyện với chúng tôi: “Đây là quê hương của bánh ngải - một loại bánh đặc sản của xứ Lạng. Người dân ở đây làm bánh quanh năm, vừa bán lẻ, vừa phục vụ các đám cỗ, liên hoan... nhưng thường phải giã thủ công, tức là dùng chày bằng gỗ nghiến và cối đá để giã bánh. Về sau, bà con dùng chày để giã nhưng không dùng bằng cối đá mà thay vào đó và những chiếc bao dai và dày. Dùng sức người để giã bánh vừa vất vả vừa mất nhiều người phụ".
"Nhà mình chỉ có hai mẹ con, hàng ngày mình vẫn thường phụ mẹ giã bánh ngải để đem bán. Thấy việc giã bánh thủ công vất vả, mình nảy ra ý tưởng làm máy giã bánh. Qua tìm hiểu, mình được biết trên thị trường hiện có 2 loại máy: một loại xay giống như xay thịt, giá thành rẻ nhưng khi làm ra bánh không có được độ dẻo; loại còn lại là máy giã có bánh răng cho sản phẩm mịn, dẻo nhưng giá thành cao, hơn nữa, khi bánh răng mòn phải thay bánh răng mới cũng tốn kém. Sau bao lần suy nghĩ và trăn trở, mình quyết định mày mò làm theo mô hình thứ hai nhưng thay bánh răng bằng bu - gi và dây cu - roa" - chàng trai Hoàng Minh Đức kể.
Từ kinh nghiệm sẵn có cộng với sự tìm tòi, học hỏi thêm trên mạng internet, chàng thanh niên trẻ đã tận dụng những thanh sắt vụn mua lại từ hàng đồng nát, rồi mua thêm một số vật liệu khác để chế tạo máy giã bánh. Với cấu tạo gồm: khung máy, mô - tơ, bu - gi, dây cu - roa, so với loại máy trên thị trường thì chiếc máy giã bánh mà anh Đức tự chế có chi phí vật liệu thấp hơn rất nhiều, khi dây cu - roa mòn thì chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng mua dây khác về thay.
Những mối hàn luôn được anh Đức hàn sao cho chắc chắn và bền nhất. Ảnh: Chang Liễu
“Ban đầu mình cũng nghiên cứu mày mò đủ kiểu, nghĩ trong đầu thấy ý tưởng cũng khá “trơn tru”, nhưng khi đi vào thực hiện thì mắc phải một vài điểm chưa hợp lý nên chiếc máy đầu tiên mình mất khoảng 1 tuần mới hoàn thiện. Còn giờ thì chỉ khoảng 3 ngày là xong một máy. Khi ta thay bánh răng bằng bu - gi và dây cu – roa thì thuận tiện và chi phí rẻ hơn rất nhiều. Nếu dây cu- roa lỏng người sử dụng dễ dàng thay chúng, giá rẻ chỉ 30.000 - 40.000 đồng/dây", chàng trai trẻ chia sẻ.
Anh Đức cho biết: Vật liệu thì có thể mua hoặc kiếm ngoài cửa hàng nhưng riêng với bánh lắp dây cu – roa là anh phải đặt riêng với mối quen ở xưởng gia công kim loại dưới Thái Nguyên. Vì có đặt làm thì tỉ lệ bánh mới theo ý muốn của mình và khớp với các bộ phận khác của máy.
Những chiếc máy sau khi hoàn thiện sẽ được sơn để chống gỉ, màu sắc tùy theo nhu cầu của khách đặt.
Tiếng lành đồn xa, từ chỗ chỉ để phục vụ gia đình, chiếc máy giã bánh mà anh Đức tự chế đã được nhiều người biết đến để đặt hàng, trong đó có những khách hàng ở các tỉnh như Bắc Giang, Quảng Ninh… Từ cuối năm 2016 đến nay, anh đã cho ra đời khoảng 20 chiếc máy, với giá bán từ 5 - 6,5 triệu đồng/máy tùy theo nhu cầu của khách. Nhờ chiếc máy này, công việc của người làm bánh nhàn hơn rất nhiều.
Mỗi chiếc máy giã bánh sau khi hoàn thiện để giao cho khách có giá 5- 6.5 triệu đồng, tùy vào yêu cầu của khách đặt làm. Ảnh: Chang Liễu
Một chiếc máy giã bánh vừa được anh Đức hoàn thiện để giao cho khách hàng. Ảnh: Chang Liễu
Với chiếc máy này, mỗi mẻ bánh chỉ cần một người đảo đều bánh sau khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là có ngay mẻ bánh thơm ngon và dẻo mềm.
Chị Hoàng Thị Thắm, xã Mai Pha cho biết: “Giờ làm bánh dày, bánh ngải nhàn lắm vì đã có máy giã bánh thay vì phải giã bằng tay như trước đây, chỉ cần một người cũng có thể tự giã được bánh chứ không cần tới 2 người giã bánh, thậm chí 3,4 người thay nhau, toát hết mồ hôi và chai hết cả tay mới được mẻ bánh. Nếu có vấn đề gì trục trặc, lại được “nhà sáng chế” sang tận nhà kiểm tra và sửa chữa miễn phí".