Hãng tin Bloomberg nhận định, phản ứng đáng chú ý nhất của Liên minh châu Âu (EU) đối với sự kiện ở Ukraine không phải là những lô vũ khí và viện trợ trị giá hàng tỷ euro mà là quá trình chuyển đổi năng lượng của châu lục này nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga với tốc độ chưa từng có.
Chuyển đổi "thần tốc"
Theo Bloomberg, một năm trước, châu Âu đã chi khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày để trả các hóa đơn về khí đốt, dầu mỏ và than đá nhập khẩu từ Nga. Hiện nay, châu lục này chỉ còn phải trả một phần rất nhỏ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hồi đầu tháng này rằng: "Nga đã đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Nó diễn ra nhanh hơn nhiều so với mong đợi."
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen
Hãng tin Euronews nhận định, Châu Âu đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga bằng cách đẩy mạnh ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.
Việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên khắp châu Âu đã khiến công suất quang điện của châu lục này đạt con số kỉ lục 40 gigawatt vào năm 2022, tăng 35% so với năm 2021, theo Bloomberg.
Lý do cho kết quả trên là bởi người tiêu dùng coi rằng, các tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ sẽ là cách hiệu quả để họ cắt giảm hóa đơn năng lượng. Về cơ bản, điều này đã đẩy nhanh tiến độ của việc triển khai khai thác năng lượng mặt trời ở châu Âu.
Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp về quang điện
Các nước EU đang lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn bao giờ hết, nhưng các tấm pin này hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết, các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng về năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, thống trị việc sản xuất các tấm pin và linh kiện.
Số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế ở Paris dự đoán rằng đến năm 2025, tới 95% việc sản xuất của ngành năng lượng mặt trời sẽ tập trung ở Trung Quốc.
Ảnh: VCG
Châu Âu là quê hương của một trong những nhà sản xuất polysilicon lớn nhất thế giới, Wacker Chemie AG (Đức), nhưng công ty này vận chuyển phần lớn polysilicon (nguyên liệu thô cho các tấm pin mặt trời) đến Trung Quốc để sản xuất thành sản phẩm cuối cùng là pin mặt trời.
Chủ tịch của Wacker Polysilicon, Tobias Brandis cho hay: "Trung Quốc thực sự đã hành động. Họ coi đây là một trong những ngành chiến lược và đã đầu tư rất nhiều vào ngành này." Ông cho biết thêm: "Châu Âu và Mỹ phải cạnh tranh về cả tốc độ và điều kiện sản xuất (với Trung Quốc)".
Ông Tobais Brandis. Ảnh: Euronews
Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU Thierry Breton đã nói lên một nghịch lý rằng, trong khi năng lượng mặt trời là thứ cần thiết để EU độc lập về năng lượng, thì họ lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Nỗ lực của châu Âu
WSJ cho hay, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp tại Brussels trong tuần này để thống nhất về kế hoạch hỗ trợ cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời và các ngành công nghiệp xanh khi Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác cũng đang tăng cường trợ cấp cho các ngành này.
Các nhà phân tích cho biết, không dễ để xây dựng một ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở châu Âu khi các nhà máy châu Âu sẽ phải cạnh tranh với Bắc Kinh về giá.
Châu lục này đang đặt cược vào các dự án trong nước như nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời khổng lồ ở Sicily, thuộc sở hữu của công ty năng lượng Ý Enel SpA. Tuần này, Enel lên kế hoạch chi tiết nâng công suất của nhà máy vào giữa năm 2024 để sản xuất đủ các tấm pin mặt trời hàng năm, nhằm tạo ra 3 gigawatt điện, so với 200 megawatt như hiện nay.
Điều đó sẽ khiến Enel trở thành nhà máy sản xuất pin mặt trời lớn nhất châu Âu. Enel và các công ty châu Âu khác chỉ ra, các tấm pin của họ hiệu quả hơn, bền hơn, và cạnh tranh được với Trung Quốc.
Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, để lắp ráp được tấm pin năng lượng mặt trời, Enel và các nhà sản xuất năng lượng mặt trời khác ở châu Âu vẫn chủ yếu dựa vào các tấm silicon và linh kiện do Trung Quốc sản xuất.
EU đã nhập khẩu 17,5 tỷ euro, tương đương khoảng 18,75 tỷ USD, các linh kiện và thiết bị năng lượng mặt trời từ Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm ngoái, chiếm 95% tổng lượng nhập khẩu liên quan đến năng lượng mặt trời.