Vừa khởi công nhà máy cơ khí chính xác tại Khu Công nghệ cao TP HCM cách đây hơn 10 ngày, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, than trời vì chi phí xây dựng dự kiến đội lên trên 10%, giá máy móc thiết bị nhập về phục vụ sản xuất cũng tăng ít nhất 5%-10%.
Ba tháng tăng đến 30%-40%
"Giá sắt, thép và các loại vật liệu xây dựng tăng khủng khiếp, tăng tới 30%-40% so với cuối năm 2020. Các doanh nghiệp (DN) đầu ngành lĩnh vực sắt thép cũng không dự đoán được xu hướng giá trong thời gian tới nên DN sử dụng các sản phẩm này làm nguyên liệu đầu vào như chúng tôi rất bị động" - ông Tống nêu thực trạng.
Theo ông Đỗ Phước Tống, tình trạng nguồn cung giảm, giá kim loại nặng, vật tư điện tăng chóng mặt từ tháng 10-2020 đến nay, đã kéo chi phí sản xuất sản phẩm cơ khí tăng theo. "Đơn hàng cũ là phải chịu lỗ; đơn hàng mới thì đang đàm phán với khách để điều chỉnh theo giá nhưng hầu như lợi nhuận rơi về 0 hoặc âm. Không chỉ nhà sản xuất mà cả nhà mua hàng cùng giảm nhịp để theo dõi xem chuyện gì đang xảy ra nên nền kinh tế khựng lại 1 nhịp" - ông Tống chia sẻ.
Tương tự, diễn biến thiếu nguyên liệu nhựa trầm trọng, giá hạt nhựa tăng trong những tháng qua đẩy DN vào thế khó. Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - cho biết đặc điểm của ngành nhựa là các DN thường đấu thầu giá bán hàng vào cuối năm nên việc giá nguyên liệu tăng khoảng 40% từ đầu năm đến nay, khiến những đơn hàng đã ký đều lỗ. Nhiều DN đang sản xuất cầm chừng với hy vọng giá nguyên liệu sẽ giảm xuống, đơn hàng nào có thể thương lượng thay đổi giá được thì thay đổi.
"Hàng nhựa tiêu dùng là khó thay đổi giá nhất, điều chỉnh tăng giá nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng. Tạm thời DN chọn giải pháp sản xuất cầm chừng hoặc bán hết hàng tồn kho với giá cũ. Hàng nhựa công nghiệp tương đối dễ điều chỉnh giá hơn nhựa tiêu dùng. Riêng với đơn hàng xuất khẩu vẫn phải giữ giá đến tháng 6-2021 theo hợp đồng" - ông Việt Anh nêu khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su và Nhựa TP HCM - cũng than thở giá các mặt hàng cao su và hóa chất trong cao su đã tăng 60% và chưa có dấu hiệu dừng. Tuy nhiên, các DN chỉ mới dám tăng giá sản phẩm 5%-10%, nếu tình trạng này kéo dài 2 tháng buộc phải tăng tiếp 20% nữa. "Rất khó để thuyết phục đối tác nước ngoài chấp nhận thay đổi giá mà họ yêu cầu phải theo dõi thêm rồi đàm phán lại. Đến thời điểm này, những DN có đơn hàng trong quý I coi như mất lợi nhuận" - ông Quốc Anh thông tin.
Tương tự, ông Dương Duy Phú, Tổng Giám đốc Công ty CP VRG Khải Hoàn (Bình Dương), cho biết nhiều chi phí đầu vào cho sản xuất găng tay y tế đang tăng rất mạnh. "Nguyên liệu mủ nitrile để sản xuất găng tay nitrile đã tăng từ 1.300 USD/tấn lên 4.000 USD/tấn, phụ gia tăng từ 20%-50% đều là hàng nhập khẩu bị tác động bởi tình trạng kẹt container. DN đặt container ưu tiên phải chấp nhận trả cước phí gấp 2-3 lần. Chúng tôi đã thử tìm nguồn cung trong nước để giảm phụ thuộc nhập khẩu nhưng chất lượng không đạt yêu cầu. Đơn giản như đá vôi, chúng tôi đưa mẫu cho nhà máy trong nước sản xuất nhưng hàng để trong kho 1 tuần đã lắng cặn trong khi hóa chất nhập khẩu có thể để cả tháng vẫn nguyên chất lượng" - ông Phú chia sẻ.
Sản xuất găng tay y tế tại một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: NGỌC ÁNH
Khó tính đường dài
Một số DN cho biết trước tình hình biến động giá nguyên liệu đầu vào, những đơn hàng sản xuất cho năm 2022, DN chỉ chốt số lượng chứ chưa chốt giá với khách hàng. Để ứng phó với tình trạng giá nguyên vật liệu tăng chưa có điểm dừng và khó dự đoán, đại đa số DN quay lại tiết kiệm chi phí, linh hoạt phân bổ khấu hao song song với nỗ lực đàm phán lại hợp đồng với đối tác. "Sản xuất thì không thể để gián đoạn nên dù lỗ, DN cũng phải duy trì, tận dụng hết nguyên liệu tồn kho trong thời gian chờ diễn biến mới. Tuy nhiên, đặc thù của ngành nhựa rất khó dự báo xu hướng giá vì phụ thuộc vào tình hình nước Mỹ, xung đột của khu vực sản xuất hạt nhựa lớn nhất thế giới là Trung Đông" - ông Việt Anh nêu tình hình và cho hay tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã kéo dài mấy chục năm nay khiến DN ngành nhựa đối diện rủi ro cao và luôn ở thế bị động. "Chuyện lỗ lã vì không chủ động được nguyên liệu cứ lặp đi lặp lại, mỗi lần thế này lại có DN không trụ lại được, phải rời thị trường. Với quy mô sử dụng 7-8 tỉ USD, thậm chí 10 tỉ USD nguyên liệu nhựa cho sản xuất mỗi năm, nếu vẫn không tự chủ được nguyên liệu thì DN nhựa sẽ luôn trong thế bấp bênh, nhiều rủi ro" - ông Việt Anh nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết so với thời kỳ thấp điểm năm 2020, giá nguyên vật liệu đã tăng đến 100%. Cái khó là không thể dự đoán được xu hướng sắp tới, DN phải liên tục theo dõi tình hình, linh hoạt ứng phó.
Doanh nghiệp thủy sản sốt ruột
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm 2021, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản tăng chóng mặt như: giá găng tay cao su, nhựa trong tăng 8%-9%; băng keo tăng 15%, bao bì để đóng gói tăng từ 7%-11%; một số mặt hàng hóa chất CaCl2, ôxy viên... trong vòng 3 tháng đã tăng 3,6% - 25%. Về cước vận chuyển, tháng 1-2021, cước tàu đi EU đã tăng từ 145% - 276% (tùy cảng), tăng lên 7.000 - 10.550 USD/container. Giá cước đi Mỹ, đi Nhật, Trung Đông hay ASEAN đều tăng 2-5 lần, thậm chí 10 lần, tùy lộ trình.
Mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh sang Mỹ từ tháng 4. Động thái này sẽ làm tăng tải cho các tuyến vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay có thể là động tác chuẩn bị có đợt tăng giá mới. Ngoài ra, các DN cũng phản ánh trong năm 2020, do việc thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất cũng đẩy giá thuế đất của DN từ 2-4 lần so với trước.