Nghiêm trọng hơn, có không ít trường hợp, bỗng dưng bị các công ty tài chính ráo riết “đòi nợ”, thậm chí điện thoại của họ liên tục bị “khủng bố” mặc dù họ khẳng định hoàn toàn không có vay mượn nào... Tình trạng này đã “bùng phát” trong thời gian gần đây, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã cảnh báo, NTD cần hết sức thận trọng để tránh “mắc bẫy” của những đối tượng lừa đảo...
Đầu tháng 9-2018, anh N.T.T. (quê Long An, tạm trú quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, do có nhu cầu vay vốn nên theo yêu cầu của một công ty cho vay tài chính (phòng giao dịch ở quận 7), anh mang các giấy tờ (gồm: Giấy CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe) đến công ty để làm hồ sơ vay 40 triệu đồng.
Trong khi đó, anh T. khẳng định, trước đây anh cũng được nhân viên của công ty tài chính này tư vấn cho vay và anh cũng làm theo yêu cầu là gửi các giấy tờ (như: Giấy CMND, hộ khẩu, bảng lương, hóa đơn tiền điện, nước, bằng lái xe, ảnh...) qua Facebook của nhân viên này để làm hồ sơ vay vốn. Nhưng sau đó, anh được trả lời là không đủ điều kiện vay.
Từ đó đến nay, anh không có khoản vay nợ nào đối với công ty tài chính và anh đề nghị, công ty xác minh lại vụ việc để giải oan cho anh. Sau khi rà soát, đại diện của công ty tài chính khẳng định, anh T. đã bị “sập bẫy” của đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn chung là khi khách hàng có nhu cầu vay, các đối tượng yêu cầu họ cung cấp hình ảnh và các giấy tờ tùy thân gửi qua mạng xã hội, sau đó báo lại cho khách hàng là không đủ điều kiện vay.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang truy tìm các đối tượng (ảnh) liên quan đường dây lừa đảo vay tiêu dùng.
Từ hình ảnh và các giấy tờ tùy thân của khách hàng cung cấp, các đối tượng sử dụng thông tin giả mạo về nhân thân của người khác và cắt ghép hình ảnh nhằm hoàn thiện thủ tục vay. Hậu quả cuối cùng, khách hàng lãnh đủ.
Cũng là nạn nhân của công ty cho vay tài chính, chị T.N.B. (ngụ quận Tân Phú) cho biết, khoảng đầu tháng 7-2018 có một đối tượng nam tên N. gọi điện đến số ĐTDĐ của chị xưng là nhân viên công ty tài chính (thuộc Ngân hàng A., có trụ sở ở quận 4) hỗ trợ tư vấn vay tiêu dùng. Đang cần tiền để mua sắm một số vật dụng trong gia đình, nên chị đồng ý vay.
Theo hướng dẫn của N. chị gửi thông tin cá nhân và ảnh 3x4 qua Zalo của N. hoàn tất thủ tục mở tài khoản cá nhân để nhận tiền giải ngân vay vốn của công ty tài chính. Sau khi cung cấp các thông tin cần thiết, nhân viên tên N. thông báo cho chị B biết hồ sơ của chị đã được duyệt và N. yêu cầu chị cung cấp mã OTP do ngân hàng A gửi đến ĐTDĐ của chị để N. hoàn tất thủ tục vay.
Không nghi ngờ gì, chị B đã cung cấp mã OTP cho N. nhưng sau đó khi kiểm tra tài khoản, chị B tá hỏa khi thấy số tiền vay trong tài khoản đã “biến mất”. Hoảng quá, chị B liên hệ với công ty tài chính thì mới phát hiện, chị chỉ là một trong hàng chục “nạn nhân” cũng bị lừa với cùng một thủ đoạn. Quá bức xúc, các nạn nhân đã cầu cứu đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh.
Qua làm việc với 21 khách hàng vay tiêu dùng bị lừa, cơ quan điều tra cho biết có một số người bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngay sau khi ngân hàng giải ngân, một số người thì chỉ đến khi nhận thông báo đòi nợ của công ty tài chính thì mới ngã ngửa vì bỗng dưng... mang nợ. Trong khi đó, theo tố cáo của ngân hàng A. gửi đến cơ quan điều tra, từ đầu năm đến giữa tháng 8-2018, có đến 64 khách hàng trên cả nước bị lừa vay tiêu dùng tại công ty tài chính thuộc ngân hàng A. với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
Những trường hợp bị lừa như trên xuất phát từ việc một số người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của mã đăng nhập, mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần, được ngân hàng gửi vào ĐTDĐ của khách hàng qua tin nhắn mỗi khi khách hàng thanh toán online hoặc chuyển khoản). Do cả tin, người bị hại không cần biết người hỏi mã OTP có đúng là nhân viên của ngân hàng hay không đã đồng ý cung cấp. Khi đã có mã OTP, các đối tượng lừa đảo truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của các khách hàng vay vốn, thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản khách hàng vào nhiều tài khoản khác rồi rút ra chiếm đoạt.
Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân cảnh giác trước loại tội phạm này. Cụ thể, không được tiết lộ mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua điện thoại, e-mail, mạng xã hội, ứng dụng; không truy cập vào các đường dẫn trang web lạ cũng như cẩn thận với những e-mail, tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin truy cập dịch vụ...
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã tiếp nhận 372 trường hợp khiếu nại của NTD trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Đây là ngành, lĩnh vực khiếu nại nhiều nhất (chiếm 37,68% tổng số trường hợp khiếu nại). Trong đó, NTD khiếu nại tập trung nhiều vào các công ty tài chính với nội dung liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng như: cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho NTD sau khi ký... Đáng chú ý, có số lượng lớn người không sử dụng dịch vụ của công ty tài chính nhưng liên tục bị “đòi nợ nhầm” bằng cách gọi điện, nhắn tin đòi nợ với lời lẽ xúc phạm, thậm chí cử người đến tận nhà đe dọa, gây áp lực. Hầu hết các vụ việc phát sinh là do công ty cho vay tài chính không xác minh lại thông tin chủ thuê bao điện thoại; không liên hệ số điện thoại do người vay cung cấp khi làm hồ sơ vay để xác nhận trước khi phê duyệt khoản vay; Nhân viên áp dụng các biện pháp thu hồi nợ không đúng quy trình (dọa nạt, đe dọa NTD)… Với những việc này, công ty đã xử lý các nhân viên vi phạm, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu và xin lỗi NTD; Đối với một số vụ việc phát sinh do lỗi của NTD (chủ yếu là vi phạm nghĩa vụ thanh toán), Cục đã yêu cầu các bên thương lượng, hòa giải và tuân thủ đúng theo quy định của hợp đồng đã ký kết cũng như pháp luật có liên quan. |