Tuy nhiên, VND khó giảm giá tương ứng với CNY do lo ngại Mỹ có thể gán cho Việt Nam mác "thao túng tiền tệ".
Trong tháng 8, đồng CNY đã mất giá tới 3,7% so với VND. Biểu đồ: Diễn biến tỷ giá CNY so với VND từ 29/7-28/9/2019
Bình yên trong tâm bão
Nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là CNY đã rớt giá mạnh so với đồng USD trong thời gian gần đây do lo ngại kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang. Theo đó, chỉ số USD – thước đô sức mạnh của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác – vẫn đang xoay quanh mức 98,20 điểm, gần sát mức đỉnh 2 năm là 98,52 điểm được thiết lập hồi cuối tháng 7 vừa qua. Từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã tăng 1,4%.
USD tăng mạnh, trong khi CNY giảm sâu, đều tạo sức ép tăng tỷ giá trong nước. Thế nhưng nhìn chung, tỷ giá trong nước vẫn khá ổn định. Mặc dù tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng, song mức tăng là không lớn. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm cũng tăng 1,35%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của đồng USD trên thị trường thế giới và càng thua xa mức độ mất giá của nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là CNY.
Trong khi đó, tỷ giá giao dịch thực tại các ngân hàng hầu như bất động trong suốt tháng 8. Theo đó, hiện giá mua vào USD của các nhà băng phổ biến trong khoảng 23.145 – 23.155 đồng/USD; trong khi giá bán ra phổ biến trong khoảng 23.265 – 23.275 đồng/USD, tăng khoảng 5 đồng mỗi chiều so với cuối tháng 7.
Sở dĩ tỷ giá trong nước vẫn ổn định một phần cũng nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào khi mà vốn FDI giải ngân đạt tới 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2018; chưa kể vốn FII đổ vào Việt nam thời gian này cũng đạt tới 9,51 tỷ USD, tăng 80%. Trong khi cán cân thương mại cũng thặng dư khoảng 2,93 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, rồi còn thu từ du lịch, dịch vụ…
"Tiến thoái, lưỡng nan"
Thế nhưng, không ít chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng khi nhận định về diễn biến tỷ giá những tháng cuối năm 2019. "Áp lực đối với tỷ giá những tháng cuối năm vẫn rất lớn, chủ yếu đến từ thị trường bên ngoài, đặc biệt từ CNY", một chuyên gia cảnh báo.
Trên thực tế, việc tỷ giá trong nước được duy trì ổn định trong 8 tháng đầu năm nay vô hình chung đã khiến VND tăng giá khá mạnh so với nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là CNY. CNY giảm giá khá mạnh so với VND tạo điều kiện cho hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam mạnh hơn, qua đó khiến tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thêm trầm trọng.
"Tình hình tỷ giá những tháng cuối năm rất khó dự báo khi mức độ phá giá CNY phụ thuộc rất lớn vào từng động thái của Mỹ trong cuộc chiến thương mại", TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo và khuyến nghị, nếu CNY tiếp tục mất giá với mức độ mạnh hơn, tỷ giá trong nước cũng cần "cuốn theo chiều gió".
Tuy nhiên, mức độ mất giá của VND khó có thể theo kịp với đà giảm giá của CNY vì mấy lý do.
Thứ nhất, việc VND giảm giá quá mạnh không những làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, khiến dòng vốn nước ngoài đảo chiều chảy khỏi Việt Nam. Thứ hai, nếu VND mất giá quá nhanh trong một thời gian ngắn có thể khiến Việt Nam bị Mỹ gán mác "thao túng tiền tệ".
Hiện Việt Nam chưa vi phạm tiêu chí về mức độ can thiệp (một chiều và kéo dài) vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên với việc mua vào tới 8,35 tỷ USD trong những tháng đầu năm, NHNN đang mua vượt quá ngưỡng 2% GDP theo tiêu chí của Mỹ.
Trước tình thế này, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nên lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ, vừa giúp ổn định tỷ giá dưới mức mục tiêu 3%, cũng như giúp Việt Nam tránh bẫy thao túng tiền tệ. Ngoài ra, NHNN cũng nên nới rộng biên độ tỷ giá để tăng sự linh hoạt cho các ngân hàng.
Về phía doanh nghiệp, dưới sức ép tăng tỷ giá, cần áp dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Theo đó, nếu có nhu cầu ngoại tệ cuối năm, doanh nghiệp có thể mua ngoại tệ kỳ hạn. Trường hợp có nguồn thu ngoại tệ cuối năm, thì có thể xem xét bán ngoại tệ kỳ hạn.