Được biết trong tháng 1-2018, TAND TP.HCM sẽ đưa hai đại án ngân hàng ra xét xử.
Thứ nhất là vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( Huyền Như giai đoạn 2). Thứ hai là vụ Trầm Bê (nguyên phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh). Trầm Bê và 43 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Phạm Công Danh giai đoạn 2).
Giải quyết hai đại án này là Chánh Tòa Hình sự TAND TP Phạm Lương Toản và Phó Chánh Tòa Hình sự Huỳnh Anh Kiệt. Cả hai vụ án đều do VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố rồi ủy quyền cho VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Được biết vụ án Huyền Như sẽ được xét xử trước vào đầu tháng và tiếp theo là vụ Phạm Công Danh công tác chuẩn bị xét xử đang được tiến hành. Dự kiến vụ Phạm Công Danh sẽ xét xử kéo dài đến cận tết Nguyên đán.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, năm 2014, TAND TP kết luận Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng của nhiều khách hàng và phạt Như tù chung thân về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt 1.300 tỉ đồng của năm công ty vì có dấu hiệu tham ô tài sản.
Đầu năm 2017, TAND TP dự kiến xử giai đoạn 2 đại án này song tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Như và đồng phạm có dấu hiệu tham ô tài sản. Đến nay, VKSND Tối cao tiếp tục giữ quan điểm truy tố Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Huyền Như trong đại án chiếm đoạt 4.000 tỉ sau đó cấp phúc thẩm huỷ một phần án để điều tra xét xử lại
Còn trong vụ Trầm Bê và Phạm Công Danh, tháng 9-2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB), Phạm Công Danh đã đưa người vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của VNCB. Phạm Công Danh còn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng trong khi VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát.
Bị cáo Phạm Công Danh tại đại án 9.000 tỉ giai đoạn 1
Do có mối quan hệ quen biết, Trầm Bê và thuộc cấp đã giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền của VNCB thông qua tiền gửi của VNCB tại Sacombank để trả nợ thay cho sáu công ty do Phạm Công Danh thành lập, điều hành. Vì sáu công ty của Phạm Công Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỉ đồng.
Cạnh đó, Phạm Công Danh và đồng phạm dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để bảo lãnh, trả nợ thay cho 11 công ty, mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH MTV Trung Dung do Phạm Công Danh thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.
Ngoài ra, Phạm Công Danh còn dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để bảo lãnh, trả nợ thay cho 12 công ty do mình thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.
Cần nhắc lại, trong giai đoạn 1 của đại án này, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã xác định Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp dùng các công ty do mình thành lập ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng... Hai cấp tòa đã phạt Phạm Công Danh 30 năm tù về các tội cố ý làm trái…, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.