Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 2/2018 đã có những biến động khá mạnh. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có những đợt tăng và giảm giá khá sốc. Có thời điểm VN-Index giảm trên 5% trong một phiên nhưng sau đó đã nhanh chóng hồi phục.
Đóng vai trò chủ chốt và có tác động mạnh nhất đến thị trường thời gian này vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khi có sự phân hóa rất mạnh nhưng nhìn chung vẫn theo chiều hướng tương đối tích cực.
Trong 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường trên cả ba sàn chứng khoán là HOSE, HNX và UPCoM, 16 cổ phiếu tăng giá trong tháng 2 và 13 cổ phiếu giảm giá. Cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam là mã duy nhất đứng giá trong số này.
Cổ phiếu ngân hàng lên tiếng
Trong số 16 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên thị trường tháng 2 thì có đến 6 cổ phiếu ngân hàng. Đáng chú ý hơn nữa, ba cổ phiếu ngân hàng là CTG của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, BID của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam và ACB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu chia sẻ ba vị trí dẫn đầu về mức tăng giá trong danh sách này.
Đứng đầu là CTG, cổ phiếu này đã tăng giá 24% sau 17 phiên giao dịch của tháng 2, từ 27.200 đồng/CP đã leo lên 33.600 đồng/CP. Tương tự, BID và ACB có mức tăng giá lần lượt là 14% và 13%.
Diễn biến giá cổ phiếu trong tháng 2 CTG
Đứng ở vị trí thứ tư và thứ năm về mức độ tăng giá ở top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường cũng là hai cổ phiếu ngân hàng khác lần lượt là VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng và VCB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, với mức tăng lần lượt 12% và 11%.
Lý giải cho những diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua là những thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh năm 2017 và những triển vọng tích cực của 2018. Các CTCK và chuyên gia nhận định ngân hàng sẽ là ngành dẫn dắt thị trường trong năm 2018. Theo dự báo một số CTCK và các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng 20 - 33% năm nay, một số ý kiến cho rằng con số này có thể lên tới trên 40%.
Một cổ phiếu cũng gây được sự chú ý rất lớn của thị trường trong tháng 2 đó là cổ phiếu vốn hóa đứng thứ 30, PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Cổ phiếu này tiếp nối đà tăng trưởng dài và liên tục tìm đỉnh cao mới. Nhìn vào đồ thị giá của PNJ kể từ thời điểm cuối năm 2015 thì có lẽ rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy nuối tiếc khi không nắm giữ cổ phiếu này. Dường như giá cổ phiếu PNJ chỉ có tăng mà không mấy khi điều chỉnh.
Tính riêng tháng 2/2018, PNJ tăng 12% từ 149.000 đồng/CP lên 166.700 đồng/CP.
Diễn biến giá cổ phiếu PNJ trong tháng 1
Tiếp đến chúng ta có thể kể đến một số cổ phiếu vốn hóa lớn cũng tăng giá rất ấn tượng chỉ sau 17 phiên giao dịch của tháng 2 như VIC của Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần với 10%. SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn và MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội đều tăng giá khoảng 8%.
Nỗi thất vọng mang tên ROS và MSR
Nhìn sang chiều ngược lại, ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros là cái tên đáng thất vọng nhất, cổ phiếu này đã giảm từ 174.400 đồng/CP xuống 137.200 đồng/CP, tương ứng giảm 21% sau 1 tháng. Trong tháng 2, các thông tin liên quan đến cổ phiếu này xuất hiện không nhiều trên thị trường.
Còn đối với MSR của Công ty cổ phần Tài nguyên Masan cũng giảm mạnh ở tháng 2. Cổ phiếu này giảm 15% từ 36.124 đồng/CP xuống 30.637 đồng/CP. Cũng tương tự như ROS, thông tin liên quan đến MSR cũng không có nhiều trên thị trường ở khoảng thời gian này.