Vụ Chính sách Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) vừa cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 vào tháng 2/2020.
Theo đơn vị này, Sau 5 năm triển khai thực hiện, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế còn nổi lên nhiều tồn tại, bất cập. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn sắp tới. Từ nay đến cuối năm 2019, dự thảo sửa đổi sẽ được lấy ý kiến các tỉnh, thành phố và bộ ngành liên quan để trình Chính phủ.
Cụ thể, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn chưa thực sự thống nhất, đồng bộ. Trong khi đó, công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai có nơi, có lúc thực hiện còn hình thức, chưa thường xuyên, thiếu thực chất.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Xây dựng, Nhà ở…gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật. Chính sách tài chính về đất đai còn có những điểm bất cập, nhất là việc điều tiết nguồn lợi thu được từ đất đai để đảm bào hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại một số địa phương, việc áp dụng thực hiện quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện theo tinh thần tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục. Một số dự án chưa có quy hoạch, kế hoạch xây dựng hoặc chưa hoàn thành xây dựng khu tái định cư đã quyết định thu hồi đất.