Ông Nguyễn Văn Thành, phụ trách ngành hàng laptop của Thế giới Di động cho rằng, tháng 3 và 4 không phải là mùa mua sắm laptop thường niên, nhưng năm nay mặt hàng này bán “ngon khủng khiếp", nhờ mặt hàng này, nhiều nhà bán lẻ đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. “Ăn may nhờ Covid-19”, ông Thành nhận xét.
Hàng trưng bày dày đặc nhưng hàng trong kho đã vơi, nhiều sản phẩm giờ đã hết hàng. Trong ảnh: Khu vực bán laptop của siêu thị Điện máy Xanh trên đường Quang Trung (Gò Vấp, TP.HCM) trước khi có lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Trọng Hiền
Ăn may
Thông tin từ các nhà bán lẻ lớn, lượng laptop bán ra trong hai tháng 3 và 4 năm nay “quá sức kỳ vọng” so với kế hoạch kinh doanh mặt hàng này dành cho năm 2020.
Tại FPT Shop, số laptop bán ra trong tháng 3 bằng 236% so với số bán trung bình của quý 1/2020. Ông Hoàng Văn Dũng, phụ trách ngành hàng laptop của FPT Shop từ chối chia sẻ số máy bán ra nhưng theo một nguồn tin riêng, trong tháng 3, kênh bán lẻ này bán được khoảng 36 - 38.000 máy. Theo lời ông Thành, trong tháng 3, hai hệ thống bán lẻ của Thế giới Di động là Thegioididong.com và Điện máy Xanh đã bán được chừng 30.000 máy, tăng 202% so với số laptop bán ra tháng 2.
Nhiều nhà bán lẻ chuyển từ bán trực tiếp sang trực tuyến với nhiều ưu đãi nên hút hàng. Trong ảnh: FPT Shop giảm giá nhiều dòng laptop đến 3 triệu đồng trong những ngày dịch Covid-19. Ảnh: Trọng Hiền
So với hai kênh bán lẻ trên, Phong Vũ chỉ có 30 cửa hàng nhưng lượng máy bán ra trong tháng 3 “rất hấp dẫn, mỗi ngày dao động từ 80 - 100 máy” như thông tin của bà Thanh Uyên, giám đốc tiếp thị của hệ thống bán lẻ Phong Vũ. Từ đó suy ra, trong tháng 3, Phong Vũ bán được chừng 27.000 máy.
Theo ông Dũng, dù không bằng tháng 3 nhưng trong tháng 4, sức mua laptop vẫn theo chiều hướng tăng vì nhóm khách hàng mua máy là những nhân viên làm việc tại nhà trong thời kỳ cách ly xã hội theo yêu cầu của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo điều tra riêng của phóng viên Dân Việt, chỉ tính riêng lượng máy bán ra được kích hoạt hệ điều hành Windows Home: trong tháng 1 là 34.000 máy, tháng 2 - 64.500 máy, tháng 3 - 100.000 máy, riêng tuần đầu tháng 4 là 29.000 máy. Một chuyên gia thị trường nhận định, tổng dung lượng laptop bán ra trên thị trường có thể gấp 1,5 - 1,8 lần số máy được kích hoạt hệ điều hành Windows Home, tương ứng vào từng thời điểm. |
Bà Khánh Hà, phụ trách ngành hàng laptop của Asus Việt Nam chia sẻ thêm: “Theo đơn hàng từ các nhà bán lẻ, trong hai tuần đầu tháng 4, nhu cầu mua mặt hàng laptop tăng gần 3 lần so với kế hoạch dự kiến của hãng. Nếu so với tháng 4/2019, tháng 4 năm nay lượng hàng bán ra tăng gấp đôi”.
“Trong hai tuần đầu tháng 4 sức mua có giảm nhẹ so với tháng 3 nhưng vẫn còn quá ngon, tỷ lệ hàng bán ra dự báo sẽ tăng 180% so với tháng 2”, ông Thành nói tiếp.
Tháng 4 tiếp tục thiếu hàng
Giữa tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh và sinh viên nghỉ học, nhân viên làm việc tại nhà…, dẫn đến lượng máy tiêu thụ nhanh hơn dự liệu, làm các hãng và nhà bán lẻ trở tay không kịp. Cộng vào đó, từ tháng 1-3/2020, nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid-19 nên không đủ hàng cung ứng theo nhu cầu tăng đột xuất của thị trường toàn cầu.
Giữa tháng 3/2020, nhiều nhân viên mua laptop để làm việc tại nhà. Trong ảnh: Nhân viên chọn máy tại FPT Shop. Ảnh: Trọng Hiền
Ông Dũng của FPT Shop cho biết: “May mà chúng tôi nhập hàng nhiều hồi trước tết nên giờ mới có hàng để bán nhưng sức mua tăng nhanh nên vẫn có nhiều dòng phân khúc giá tầm trung hết hàng tạm thời, phải chờ tuần sau mới có hàng về”.
Còn tại Thế giới Di động, theo ông Thành, hiện nay nhiều dòng máy có giá dưới 10 triệu đồng đã “gần như sạch hàng, muốn có hàng nhanh cũng không dễ vì phụ thuộc vào hãng sản xuất, công suất của nhà máy và sức tiêu thụ tăng trên toàn cầu”.
Hiện Phong Vũ còn nhiều hàng của các sản phẩm phân khúc giá từ tầm trung trở lên, hầu như vắng bóng các sản phẩm phân khúc thấp.
Theo lời bà Khánh Hà, trong tháng 4 chưa thể có đủ hàng theo nhu cầu của thị trường mà phải chờ qua tháng 5 hàng mới về nhiều, đủ cho nhu cầu.
Phân khúc nào bán chạy? Theo thông tin từ nhiều nhà bán lẻ, trong quý 1/2020, nhóm hàng laptop phân khúc giá thấp (từ 6 - 10 triệu đồng) chỉ chiếm 25%; nhóm phân khúc giá trung (từ 10 - 16 triệu đồng) chiếm đến 55%, còn lại là phân khúc giá cao (16 triệu đồng trở lên) - 20%. |