Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cho biết, trong 8 tháng đầu năm, có 10 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa gồm 9 doanh nghiệp nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp. Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.524 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.271 tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty các doanh nghiệp đã thoái được 3.772 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo 7 tháng được công bố trước đó cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 8 doanh nghiệp nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp. Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.408 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.181 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng, các doanh nghiệp đã thoái được 3.567 tỷ đồng, thu về 8.600 tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình cổ phần hoá, ông Đặng Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính từng đưa ra nhận định, nhìn lại quá trình cổ phần hóa vừa qua có rất nhiều mô hình tốt như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airline, một số doanh nghiệp dược phẩm đã cổ phần hóa đều có hoạt động tốt hơn.
"Qua đó có thể nhận thấy hiệu quả từ chủ trương cổ phần hóa là không thể phủ nhận. Cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển", ông nói.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, ngược lại, nếu cổ phần hóa không thay đổi về chất, tức là vẫn duy trì bộ máy cũ, cách quản lý cũ, không đổi mới về quản trị, không công khai minh bạch thì doanh nghiệp có kết quả không khá hơn doanh nghiệp nhà nước mà có doanh nghiệp còn đi xuống.
Theo ông Tiến, vấn đề cổ phần hóa phải là làm quyết liệt, triệt để thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới” thì mới đem lại sự hiệu quả, quá trình đó phải có sự giám sát, kiểm tra, công khai minh bạch, trước trong sau cổ phần hóa. Đặc biệt, sau cổ phần hóa cần kiên quyết hoạt động theo cơ chế thị trường thì mới đem lại giá trị gia tăng lớn.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện có một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Trong đó có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện và quyết tâm thay đổi nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp vẫn chưa đạt được một số kết quả.
Thứ nhất là tính kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm. Thứ hai là còn sự nhận thức e ngại trong việc thực hiện thực chất đổi mới khi cổ phần hóa “bình mới, rượu mới”; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá; tư tưởng yên vị vẫn còn đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới.
Thứ ba là tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ khi thực hiện quy trình mới chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng hơn và phải có nhiều bước đi hơn gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan.