Khi hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo, dường như mọi thứ lại xảy ra vào tháng 8. Có thể là bởi rất nhiều nhà đầu tư đang đi nghỉ nên thị trường ít thanh khoản và dao động mạnh hơn. Hoặc chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Dẫu vậy, những sự kiện hỗn loạn nhất trên thị trường tài chính ở thời gian gần đây đều diễn ra vào cuối mùa hè, trong đó có tháng 8 của những năm 1989, 1998, 2007, 2011 và 2015.
Và như vậy, một lần nữa điều đó lại xảy ra vào năm 2019, khi cuộc chiến thương mại và tiền tệ Mỹ - Trung, kinh tế châu Âu giảm tốc và bất ổn địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới khiến thị trường quay cuồng. Diễn biến "quen thuộc" này lại tiếp tục xuất hiện với tình trạng bán tháo vào ngày 12/8 và một số phiên của tuần trước.
Để hiểu được tình trạng hỗn loạn này và những gì nó thể hiện cho nền kinh tế toàn cầu thì chúng ta nên nhìn vào 2 khoảng thời gian đặc biệt, đó là tháng 8/1998 hay 8/2007.
Trong cả 2 năm này đã xảy ra những vấn đề tương tự dù không hẳn là chính xác như những thứ ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường toàn cầu ngày nay. Tuy nhiên, năm 1999, nền kinh tế Mỹ cuối cùng vẫn tiếp tục bùng nổ, trong khi những sự kiện xảy ra năm 2007 đã dẫn thẳng đến tình trạng suy thoái sâu sắc nhất trong thời kỳ đương đại.
Tháng 8/1998: Cuộc khủng hoảng của các thị trường mới nổi
Điều gì đã xảy ra: Một số quốc gia Đông Á lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính trong khoảng 1 năm. Nhưng vào tháng 8/1998, một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện của các quốc gia mới nổi đã phủ bóng mây đen lên thị trường toàn cầu.
Nguyên nhân trực tiếp đó là chính phủ Nga quyết định tạm ngừng trả nợ - đã châm ngòi cho nỗi lo ngại rằng các quốc gia khác có thể làm điều tương tự. Theo đó, dòng tiền ồ ạt đổ vào những tài sản an toàn, đặc biệt là trái phiếu Mỹ và Đức. Giá trị của đồng USD tăng lên trên thị trường ngoại hối, làm trầm trọng thêm tình thế của các quốc gia đang nắm giữ nợ định danh bằng đồng USD. Giá hàng hoá sụt giảm, cho thấy rằng nền kinh tế thế giới đang giảm tốc và căng thẳng thêm phần leo thang đối với các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và các loại hàng hoá tương tự.
Khi ấy, nền kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ bùng nổ, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức 4,5% vào tháng 8/1998. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của nước này lo ngại rằng tình hình hỗn loạn của những nước khác sẽ bóp nghẹt dòng chảy tín dụng ở Mỹ và khiến sự phát triển đối mặt với rủi ro.
Alan Greenspan, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lúc đó, cho biết: "Hãy để tôi tiến thêm một bước và chỉ ra một điều mà tôi cảm thấy đặc biệt lo ngại: Đó là yếu tố xao nhãng, lo sợ, bất ổn và điều đó thực sự đang lan toả khắp thế giới." Ông và các đồng nghiệp thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực, nhưng trong tháng đó Fed đã hạ lãi suất để ứng phó với những tác động có thể đến từ bên ngoài. Và cuối cùng, vào mùa thu năm đó, Fed đã thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất.
Cái kết: Ông Greenspan thực ra lại quá bi quan. Kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm 1999 và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm. Sự hoảng loạn ở các thị trường mới nổi dần lắng xuống, bong bóng dot-com nổ tung và những đợt hạ lãi suất của Fed mới là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán "quay cuồng".
Có thể nói rằng, nền kinh tế Mỹ đã ở trong tình trạng quá nóng vào năm 1999, khi bong bóng thị trường chứng khoán cuối cùng đã vỡ tung khiến đầu tư doanh nghiệp giảm mạnh, dẫn đến tình trạng suy thoái (dù là nhẹ) và năm 2001.
Điểm tương đồng: Cũng giống năm 1998, mối nguy của năm 2019 đến từ việc kinh tế thế giới giảm tốc, thể hiện qua giá hàng hoá sụt giảm, đồng USD mạnh hơn và dòng tiền lớn đổ vào trái phiếu Kho bạc cùng các loại tài sản an toàn. Hơn nữa, Fed cũng đang ở "chế độ" sẵn sàng hạ lãi suất để bù đắp tổn hại cho Mỹ.
Điểm khác nhau: Căng thẳng thương mại là yếu tố cốt lõi của sự biến động hiện nay và trong trường hợp này thì chính sách ở Mỹ đang tạo ra sự bất ổn. Đó là kế hoạch áp thuế bổ sung của ông Trump với hàng hoá Trung Quốc và dán nhãn thao túng tiền tệ cho nước này.
Ngoài ra, thiệt hại đối với kinh tế Mỹ hồi năm 1998 được hạn chế không chỉ nhờ động thái của Fed, mà còn bởi cuộc khủng hoảng thực sự đang diễn ra ở xa nước Mỹ. Nơi đó cũng không phải là trung tâm của chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu lớn nhất của các công ty Mỹ.
Tháng 8/2007: Khởi đầu của cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu
Điều gì đã xảy ra: Trong suốt năm 2007, ngày càng nhiều chủ sở hữu bất động sản ở Mỹ không thể thanh toán các khoản thế chấp nhà. Do đó, thị trường chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp - vốn được cho là hầm trú ẩn an toàn, đặc biệt là các khoản thế chấp dưới chuẩn, chứng kiến đà sụt giảm. Tình trạng này gây ra những tổn thất, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu là những bên nắm giữ lượng lớn loại tài sản đó, và họ buộc phải chuyển sang nắm giữ tiền mặt và cho các bên khác vay một cách miễn cưỡng.
Một chu kỳ đầy rủi ro đã diễn ra: Thị trường nhà Mỹ ở tăng trưởng chậm chạp đã khiến nền kinh tế giảm tốc và mang đến tổn thất trong hệ thống tài chính trên toàn thế giới. Sự bất ổn này đã thắt chặt dòng chảy tín dụng và do đó thị trường nhà ở lâm vào tình thế tồi tệ hơn. Hệ thống ngân hàng châu Âu đóng băng và ngày 9/8, NHTW châu Âu (ECB) đã bơm 95 tỷ USD để đảm bảo dòng tiền tự do và tránh khủng hoảng tín dụng. Đó là động thái đầu tiên trong một chuỗi các hành động quyết liệt của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.
Đến tháng 9, Fed đã hạ lãi suất với kỳ vọng rằng có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế và cuối cùng chính phủ Mỹ phải tung một loạt các gói cứu trợ cho thị trường tài chính. Tuy nhiên vòng "luẩn quẩn" ấy lại không kết thúc dễ dàng. Mỹ đã rơi vào "hố đen" suy thoái vào tháng 12/2007 và còn trầm trọng hơn vào mùa thu năm 2008 sau sự sụp đổ của Lehman Brothers.
Cái kết: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một sự kiện mang tính biến đổi, gây ra sự tổn thất lớn cho hàng tỷ người và giảm uy tín của các thể chế chính trị cánh tả và tinh hoa trên toàn thế giới.
Điểm tương đồng: Giống tháng 8/2007, những diễn biến trên thị trường toàn cầu ở tháng này phản ảnh sự phức tạp trên khắp các châu lục và thị trường khác nhau. Lần này, không xoay quanh vấn đề nợ thế chấp ở Mỹ, những vấn đề bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại leo thang nhanh chóng giữa Mỹ và Trung Quốc, các vấn đề dài hạn ở châu Âu. Những yếu tố này cùng xảy ra khiến tăng trưởng toàn cầu, giá cả hàng hoá sụt giảm, gây tổn hại cho chi tiêu đầu tư của các công ty Mỹ, dù nền kinh tế nhìn chung vẫn rất vững chắc.
Thị trường trái phiếu ngày càng thể hiện rằng tăng trưởng và lạm phát đang yếu hơn vào những năm tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều đợt hạ lãi suất từ Fed. Điều này cho thấy các nhà đầu tư tin rằng đà sụt giảm rõ rệt sắp diễn ra và tình trạng suy thoái khả năng cao sẽ xảy ra.
Điểm khác nhau: Thứ nhất, chìa khoá giải quyết một trong những nguyên nhân chính gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế - chiến tranh thương mại, nằm trong tầm tay của các nhà hoạch định chính sách. Nếu Tổng thống Trump bắt đầu nhận thấy rằng sự kiện trên sắp gây ra sự sụt giảm trong số lượng bầu cử vào năm tới, thì có thể ông sẽ tìm cách làm giảm căng thẳng.
Thứ hai, các ngân hàng toàn cầu đang được rót vốn tích cực hơn năm 2007, họ có sự hậu thuẫn mạnh mẽ hơn và có thể chịu tổn thất mà không lâm vào cảnh vỡ nợ. Điều đó có nghĩa là vòng lặp tương tự khó có khả năng xảy ra hơn, hoặc sẽ diễn ra ở quy mô tối thiểu, nếu những dấu hiệu nguy hiểm giống thời điểm đó xuất hiện trở lại, thì có lẽ chúng có nguyên nhân khác. Ví dụ, mức nợ doanh nghiệp tăng cao có thể là một rủi ro như vậy.