Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm qua, các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G. Do đó, việc tắt sóng 2G là cần thiết.
Bắt đầu từ ngày 1/3/2024, nhà mạng sẽ không cho phép nhập mạng mới với các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Để hiểu đơn giản, khái niệm mạng truyền sóng 2G gắn với hình ảnh chiếc điện thoại "cục gạch" phổ biến trong thập niên 90s, đáp ứng gọi thoại, nhắn tin, không hỗ trợ kết nối internet như các điện thoại 3G, 4G hay 5G hiện nay.
Mạng 2G là thuật ngữ chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 (Second Generation) được triển khai từ năm 1990, sử dụng công nghệ di động mặt đất GSM. Mạng 2G cho phép mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại dưới dạng kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động, cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dài tần so với mạng 0G và 1G.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ hiện trên mạng có khoảng 15 triệu thuê bao 2G. Với mục tiêu giảm dần số thuê bao này xuống, đến tháng 9-2024 sẽ không còn thuê bao 2G trên mạng lưới, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Cục Viễn thông cũng đã làm việc với các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam. Các nhà mạng đã cam kết sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023.
Ông Nguyễn Phúc Khánh, Phó Ban công nghệ, Tập đoàn VNPT, cho biết hai năm qua, nhà mạng này đã tắt sóng khoảng 10% số trạm 2G (các trạm riêng lẻ với nhu cầu lưu lượng không có hoặc rất ít).
Về phía MobiFone, ông Lê Mai Sơn, Phó Ban Truyền thông, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, chia sẻ nhà mạng này đã tắt dần trạm 2G ở những khu vực có lưu lượng rất ít.
"Việc tắt sóng 2G với mục đích chuyển đổi các khách hàng dùng 2G lên mạng 4G, sử dụng smartphone. Đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu thế cũng như phù hợp với mong muốn của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, và phù hợp với nhu cầu của khách hàng, xã hội trong giai đoạn hiện nay", ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom khẳng định.
Trả lời báo Dân Việt, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet cho rằng, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số... một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Sau khi có chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã rất tích cực trong việc xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G đến tháng 9/2024. Các điện thoại chỉ có 2G không sẽ không được sử dụng trên mạng lưới. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành thông tư cấm nhập khẩu, lưu thông điện thoại chỉ có kết nối 2G.
Để thúc đẩy người dân chuyển đổi từ 2G sang 4G, ông Nhã cho biết, sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ, trong đó, Quỹ Viễn thông công ích dành kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa với khoảng 400.000 điện thoại. UBND một số tỉnh, thành phố có kế hoạch hỗ trợ các hộ khó khăn nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Quỹ Viễn thông công ích thông qua các chương trình ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, việc hỗ trợ cũng có thể được thực hiện theo hình thức xã hội hóa thông qua việc cài đặt sẵn các ứng dụng trong điện thoại hỗ trợ.
Nắm được lộ trình triển khai tắt sóng 2G, 3G, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã có nhiều kế hoạch hành động cụ thể. Từ năm 2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng hẳn công nghệ 2G. Kết quả trong 2 năm (từ năm 2021 đến đầu năm 2023) VNPT đã thực hiện tắt được gần 2.000 trạm 2G; hỗ trợ 1,9 triệu thuê bao chuyển đổi từ mạng 2G sang 3G, 4G.
Đại diện Viettel Telecom cho biết đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi 2G lên 4G của các khách hàng Viettel một cách nhanh chóng hơn. Từ cách đây 4 năm, nhà mạng này đã thực hiện việc chuyển đổi. Hiện nay, Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên chuyển đổi gần như toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công.
Tương tự, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đang triển khai một số chương trình hỗ trợ khách hàng chuyển sang 4G như hỗ trợ đổi sim từ 2G lên 4G miễn phí. Hợp tác với các nhãn hàng hỗ trợ các dòng máy 3G, 4G phù hợp với nhu cầu người dùng, thiết kế các gói cước ưu đãi dành cho khách hàng khi chuyển đổi từ 2G sang 4G.
"Việc tắt sóng 2G không phải là sáng kiến của Việt Nam, chúng ta đang theo xu hướng chung của thế giới. Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ TT&TT", ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử, chia sẻ. "Tắt sóng 2G, đưa người dân trên môi trường số".
Thực tế, việc tắt sóng 2G được các nhà mạng viễn thông ở nhiều quốc gia thực hiện như Nhật Bản (năm 2011) Singapore, (năm 2017), Trung Quốc (năm 2021). Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GMSA), tính đến tháng 10/2022, có 142 nhà mạng ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những kế hoạch hành động để triển khai việc tắt sóng 2G/3G, trong đó có 51 nhà mạng viễn thông đã tắt sóng 2G.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, các nhà mạng đã rà soát số thuê bao 2G đến từng quận, huyện. Lộ trình tắt sóng 2G sẽ được lên kế hoạch từng tháng. Quá trình này, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo mục tiêu tắt sóng 2G vào tháng 9/2024.