Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nhà chung cư cao tầng đang là vấn đề được quan tâm hiện nay, đặc biệt sau vụ cháy tòa chung cư Carina, quận 8, TP HCM khiến 13 người chết.
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên vấn đề chống cháy ở chung cư là rất cấp thiết, đáng quan ngại.
|
Cảnh sát PCCC lao mình vào lửa dập đám cháy nhà cao tầng (Ảnh: CAND) |
Về vấn đề PCCC ở chung cư, chiều 4/4, trả lời VOV.VN, Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng Phòng Hướng dẫn và Chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, các điều kiện PCCC ở khu chung cư được nêu trong quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng.
Ví dụ như phải có chỗ lánh nạn, hệ thống chữa cháy tự động, báo cháy, màng áp cháy…. Đối với hệ thống thang bộ thì có thông gió điều áp, cửa chống cháy. Ngoài ra còn có hệ thống kỹ thuật thông tầng dùng để ngăn cháy theo chiều ngang vào chiều đứng.
Đại tá Vụ cho hay: “Chỉ cần chủ đầu tư làm đúng các tiêu chuẩn này thì nếu có xảy ra sự cố thì vẫn an toàn”.
Về phương tiện PCCC, hiện nay ở Hà Nội, xe thang của lực lượng PCCC có thể vươn đến tầng 14 của các chung cư cao tầng, nhưng đấy không phải là vấn đề đáng lo ngại trong công tác PCCC. TP HCM cũng có xe thang 70m nhưng mua về lại “đắp chiếu” vì hạ tầng cơ sở không thể đáp ứng được. Cho nên, theo Đại tá Vụ, phương tiện chỉ đáp ứng việc cứu hộ, cứu nạn ở tầng thấp. Đối với lực lượng PCCC, khi hỏa hoạn xảy ra tầng nào của tòa nhà cao tầng đều phải sử dụng hệ thống chữa cháy tại chỗ để xử lý.
Theo đại tá ngành cảnh sát PCCC Hà Nội, trên thế giới cũng có nhiều nhà cao 100 tầng, nhưng phương tiện PCCC cũng không có xe thang đạt đến tầng này. Bởi vậy, cơ bản vẫn là hệ thống PCCC trong tòa nhà.
Để hệ thống PCCC trong tòa nhà chung cư cao tầng hiện nay thông suốt, theo Đại tá Trần Văn Vụ, công tác quản lý Nhà nước phải thực hiện nghiêm trong đôn đốc thực hiện công tác PCCC của chủ đầu tư, ban quản lý vận hành, ban quản trị chung cư và người dân…/.