Trong tháng 11, đầu tháng 12, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân. Để đón mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhiều nhà băng đã tăng mạnh lãi suất thêm 0,5-0,8 điểm phần trăm, đồng thời triển khai loạt chương trình ưu đãi cộng lãi suất cho hình thức gửi online, tặng quà để thu hút khách hàng gửi tiền.
Theo quan sát, lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay là 7,1%/năm, tuy nhiên khách hàng sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe, gần như chỉ dành cho những người có số tiền rất lớn hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, Techcombank công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, với điều kiện tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn.
Với số tiền nhỏ chỉ vài trăm triệu đồng trở xuống, người gửi vẫn có thể lựa chọn nhiều ngân hàng khác để hưởng lãi suất xấp xỉ 7%/năm.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) đang có lãi suất cao nhất là 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng.
Thấp hơn một chút thì có SCB đang áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất 6,8% khi gửi kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Mức 6,7%/năm thì có ở nhiều ngân hàng hơn như BacABank, CBBank, Kienlongbank,…Hầu hết những ngân hàng này áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên
Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến (online), lãi suất sẽ cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm tại quầy, mức cộng thêm phổ biến là 0,1-0,3%/năm nhưng cũng có nơi cộng thêm tới 0,5-0,6%/năm.
NamABank là ngân hàng có lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm online là 7,1%/năm mà không yêu cầu số tiền gửi phải hàng tỷ đồng. Theo đó, khách hàng gửi tiền thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng sẽ có lãi suất 7,1%/năm. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng cũng ở mức cao của thị trường là 6,9%/năm.
SCB và PVComBank có lãi suất gửi tiết kiệm online cao nhất gần 7%/năm. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 18 tháng tại SCB thông qua hình thức trực tuyến sẽ có lãi suất 6,95%/năm. Còn tại PVComBank, khách hàng gửi kỳ hạn 18 tháng có lãi suất 6,95%.
Tiếp theo là mức 6,8%-6,85%/năm, đang là mức lãi suất cao nhất tại BacABank, CBBank, Kienlongbank.
Những ngân hàng kể trên đang là những nhà băng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, đa số ngân hàng sẽ niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng - 36 tháng từ 6,0-6,2%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng lớn thì chỉ từ 5,5-5,6%/năm.
Cụ thể, khi gửi ở quầy, hiện Agribank, BIDV, Vietcombank có mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, trong đó Agribank và BIDV áp dụng cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên, trong khi Vietcombank chỉ áp dụng cho kỳ hạn 1 năm. Vietinbank nhỉnh hơn một chút với 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Đối với gửi online, những ngân hàng này sẽ cộng thêm lãi suất khoảng 0,2-0,4%/năm tùy vào từng kỳ hạn và số tiền gửi.
Ngoài 4 NHTM Nhà nước thì Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) cũng có mức lãi suất tương đương. Trong đó, lãi suất cao nhất là 5,5%/năm khi gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Nhóm ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường còn có MB, Techcombank,…, thậm chí là còn thấp hơn "Big 4". Ví dụ, tại Techcombank, khi gửi ở quầy, phải gửi số tiền từ 3 tỷ trở lên và là khách hàng ưu tiên mới có lãi suất cao nhất là 5,4%/năm (kỳ hạn 36 tháng). Trong khi đó, nếu với số tiền dưới 1 tỷ đồng, lãi suất cao nhất chỉ là 5,1%/năm (kỳ hạn 36 tháng).
Trong thời gian qua, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng đã phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các hình thức đầu tư như chứng khoán, trái phiếu,...Nhiều người dân có xu hướng rút bớt tiền tiết kiệm vì lãi suất xuống thấp và đầu tư chứng khoán để kiếm lời cao hơn. Dù vậy, gửi tiền tiết kiệm vẫn còn được nhiều người ưa chuộng và là một phần không thể thiếu khi phân bổ tài chính vì tính an toàn, ổn định.