Chỉ số PCI (Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, Chỉ số PCI chính là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam, với điểm số PCI tổng hợp năm 2021 đạt 73,02 điểm, Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh đứng đầu Chỉ số PCI năm 2021. Như vậy, Quảng Ninh đã là quán quân của chỉ số này trong 5 năm liên tiếp.
Song, điểm đáng chú ý của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay đó là sự thay đổi ngoạn mục về điểm số lẫn thứ hạng của một số địa phương. Trong số các địa phương có mức độ thay đổi thứ hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hải Dương là địa phương có mức tăng ấn tượng nhất.
Cụ thể, Hải Dương đã vươn lên vị trí số 13 trên Bảng xếp hạng, tăng 34 bậc (năm 2020, Hải Dương đứng thứ 47 trong cả nước); đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, Hải Dương đã thăng hạng từ vị trí giữa của nhóm các địa phương có chất lượng điều hành trung bình, lên đứng đầu nhóm 20 địa phương có chất lượng điều hành khá; chỉ cách địa phương đứng thứ 10 (nhóm có chất lượng điều hành tốt) là 0,95 điểm. Hải Dương cũng là một trong 10 địa phương được đánh giá có chất lượng kết cấu hạ tầng tốt trên cả nước.
So với năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh tăng 5,13 điểm, thứ hạng tăng 34 bậc. Đây là năm tỉnh có thứ hạng PCI cao nhất trong 17 năm qua. Hải Dương cũng là 1 trong 10 địa phương được đánh giá có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt trên cả nước.
Nguồn: PCI 2021
Trong 10 chỉ số thành phần, có 8 chỉ số tăng điểm và 2 chỉ số giảm điểm. Trong đó, chỉ số tăng điểm cao là tính năng động của chính quyền đạt 8,24 điểm, tăng 3,15 điểm; cạnh tranh bình đẳng đạt 8,38 điểm, tăng 3,25 điểm; tiếp cận đất đai đạt 7,37 điểm, tăng 0,85 điểm...
Ngược lại, PCI 2021 cuat Hải Dương có 2 chỉ số giảm là gia nhập thị trường đạt 7,24 điểm, giảm 0,34 điểm; đào tạo lao động đạt 6,64 điểm, giảm 0,82 điểm.
Hải Dương đã làm thế nào để thăng hạng mạnh mẽ chỉ sau 1 năm?
Đột phá lớn nhất trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI của tỉnh là việc ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Với phương châm "cấp uỷ, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp", môi trường đầu tư của tỉnh đã có những cải thiện về chất khi công tác xúc tiến đầu tư được nâng tầm. Vào tháng 3/2022, lần đầu tiên Hải Dương tổ chức tọa đàm thu hút đầu tư FDI Hàn Quốc, từ đó tạo nền móng để tỉnh tiếp cận các dòng vốn FDI uy tín, chất lượng đến từ nhiều quốc gia.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, Hải Dương coi công tác quy hoạch là chìa khoá thu hút và quản lý đầu tư hiệu quả, bền vững. Theo đó, tỉnh đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng các ngành, lĩnh vực. Đồng thời đẩy nhanh quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các quy hoạch được công khai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai đầu tư. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng thành lập tổ công tác để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư.
Ngoài ra, Hải Dương cũng xác định cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính là một trong những điều kiện quyết định để có được thiện cảm từ phía doanh nghiệp. Do đó, tỉnh đã rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Cụ thể, đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm từ 3 ngày tối đa xuống 2 ngày, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư giảm từ 15 ngày xuống 7 ngày.
Mặt khác, tỉnh cũng giảm thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp mới thành lập chuyển từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ 30 ngày xuống còn không quá 10 ngày. Thủ tục thẩm định đánh giá tác động môi trường từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy phép xây dựng so với quy định trung bình là 31,5 ngày. Việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài giảm từ 7 ngày xuống 3 ngày…
Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3 và 4 để vừa hiện đại hoá công tác quản lý, vừa bảo đảm chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu sau lễ công bố chỉ số PCI, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hải Dương đã tạo được đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thứ hạng PCI năm 2021 của tỉnh đã minh chứng cho điều này. Kết quả này là nền tảng, tiền đề để tỉnh tiếp tục bứt phá, trở thành điểm đến tin cậy của nhà đầu tư, doanh nghiệp.