Airbnb là dịch vụ đặt phòng, căn hộ được thành lập vào năm 2008 tại San Francisco, California. Mô hình sơ khai của Airbnb đến từ việc hai sinh viên ngành thiết kế chia một phần căn hộ của mình cho khách du lịch thuê. Từ đó, 3 chàng sinh viên vừa mới tốt nghiệp ĐH San Francisco đã bắt tay cùng nhau thành lập ứng dụng chia sẻ căn hộ.
10 năm sau, nền tảng của họ đã có hơn 4,5 triệu bất động sản cho thuê, từ những phòng trọ, ký túc cho đến những lâu đài hay hòn đảo tư nhân ở Fiji. Với quy mô như vậy, Airbnb còn lớn hơn cả những chuỗi khách sạn lớn và là dịch vụ cho thuê phòng lớn nhất thế giới hiện nay.
Nhưng khởi nghiệp không phải lúc nào cũng là một con đường thẳng tắp và những người sáng lập cũng phải đối mặt với sự đánh đổi.
Trong những ngày đầu kinh doanh, Airbnb đã đối mặt với một loạt sự từ chối của các nhà đầu tư bao gồm cả những người ủng hộ Youtube, Paypal và Google. Cuối cùng, Joe Gebbia và hai đồng sáng lập là Brian Chesky, Nathan Blecharczyk đã quyết định lựa chọn hình thức cấp vốn thay thế: sử dụng thẻ tín dụng.
Đây là một quyết định hoàn toàn mạo hiểm mà ngày nay khi chia sẻ tại chương trình "Managing Asia" của đài CNBC, đồng sáng lập Airbnb khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp không nên sử dụng cách làm này của mình.
Theo Gebbia, bộ ba đã bước vào "điểm đáy của nỗi buồn" và trở nên tuyệt vọng khi nhận được khoản thu nhập chỉ 200 USD/tháng từ cơ sở khách hàng nhỏ bé của mình.
"Chúng tôi chỉ có một lựa chọn cuối cùng ở thời điểm đó, chính là dùng thẻ Visa. Chúng tôi gọi đó là vòng gọi vốn Visa, ngoại trừ việc Visa không hề biết về điều đó".
"Lúc đó chúng tôi đều cảm thấy rất lo lắng và căng thẳng. Hóa đơn thẻ tín dụng tiếp tục tăng và chúng tôi thực sự không biết khi nào nó sẽ được trả hết", Gebbia nói.
Sự kiên trì của 3 chàng sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã đưa họ đến với Y Combinator - vườn ươm khởi nghiệp lớn ở Thung lũng Silicon. Đổi lại 7% cổ phần, Airbnb có được vốn đầu tư, mạng lưới và cũng lời lời khuyên tốt nhất từ người sáng lập Y Combinator - Paul Graham.
Ông Graham nói Airbnb cần phải thoát ra cơ sở khách hàng của mình - thời điểm đó chủ yếu tập trung ở New York và tìm mọi cách để nhận được phản hồi về cách phát triển và cải tiến sản phẩm.
"Chúng tôi đã gặp gỡ mọi người, nói chuyện với khách hàng để đạt được điều gọi là 'sự thấu cảm giác ngộ'. Điều này sẽ giúp bạn đến gần với khách hàng hơn", Gebbia nói.
Anh cho rằng những hiểu biết sâu sắc này kết hợp với tầm nhìn của doanh nhân sẽ giúp tạo nên những sản phẩm tốt nhất có thể.